Vượt dốc để tuyên truyền

Ngủ lại nhà dân để tuyên truyền, vận động bầu cử

Để tuyên truyền cho bà con ý nghĩa của việc đi bầu cử, nhiều cán bộ xã miền núi phải vượt đèo cao, suối sâu, thậm chí ngủ lại nhà dân.
Đi bộ cả nửa ngày đường, anh Vi Văn On mới đến được Ủy ban Nhân dân xã để hỏi chi tiết hơn về ngày bầu cử 22/5 tới. Anh hiểu rất rõ đây sẽ là cơ hội để lựa chọn người đại diện quyền lợi cho mình.

Ở xã miền núi xa xôi Trung Sơn (Yên Lập, Phú Thọ), nơi có đến 70% hộ dân thuộc diện nghèo, dân trí còn thấp, nhưng không hiếm người nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc bầu cử đại biểu đại biểu Quốc hội khóa 13 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Háo hức chờ ngày bầu cử

Hội trường của Ủy ban Nhân dân xã Trung Sơn là một khu nhà mái lá, nơi niêm yết danh sách cử tri, thi thoảng lại có người đến lật giở từng trang giấy. Sau khi quan sát thật kỹ, anh On tìm đến một cán bộ xã, hỏi chi tiết ngày giờ bầu cử, rồi cười: “Hôm đó vợ chồng mình không đi nương nữa, đi bầu cử thôi.”

Theo lời anh On, trước đây anh và bà con khá “lơ mơ” về bầu cử. Thế nhưng, từ ngày được cán bộ tuyên truyền, anh mới thấy lợi ích của việc này. “Bỏ làm nương rẫy một hôm cũng không chết, nhưng lựa chọn người đại diện cho quyền lợi của bà con mà sai thì hỏng bét cán bộ ạ,” vừa rảo bước khỏi trụ sở xã, anh On ngoái lại, nói.

Với Giàng A Su thì khác, cậu thanh niên người Mông mới 18 tuổi này rất hồi hộp đợi ngày bầu cử. Với A Su, đây sẽ là lần đầu tiên cậu sẽ cầm lá phiếu trong tay. Nói với phóng viên Vietnam+, A Su bảo rằng cậu đã tìm hiểu rất kỹ về người mình định bầu vào Hội đồng Nhân dân xã, và chắc chắn sẽ tìm được người xứng đáng để để đại diện cho mình.

A Su tâm sự, những năm trước đây, nhiều người bản Mông ở Trung Sơn chỉ biết mải miết làm ăn, không mấy khi để ý đến việc bầu cử. Thế nhưng, qua nhiều lần cán bộ tiếp xúc, tuyên truyền, người Mông đã ý thức hơn với công tác này. “Nhà nước trao cho người Mông quyền bầu cử, phải thấy hãnh diện vì mình đã góp phần lựa chọn người tài giỏi cho đất nước mà đi chứ,” A Su nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trung Sơn, ông Đinh Văn Đóa, thì kể rằng ở cái xã miền núi khó khăn nhất của tỉnh Phú Thọ, nơi giáp với tỉnh Yên Bái này, người Kinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong cơ cấu dân số của xã, có đến 80% người Mường, người Dao 17% và người Mông là 3%.

Với 70% dân số thuộc diện nghèo, dân trí còn thấp, song với nỗ lực của chính quyền địa phương, công tác bầu cử trong những năm qua ở Trung Sơn đã có những tiến bộ rõ rệt về số lượng cử tri đi bầu cử. Ngày trước, nhiều nhà chỉ cử một người đại diện, cầm lá phiếu đi bầu. Nhưng bây giờ, ý thức người dân đã được nâng cao, họ tự nguyện nghỉ lên nương rẫy một buổi để hòa mình vào ngày hội toàn dân.

Vượt dốc để tuyên truyền

Để có những thành công trên, không thể không kể đến những nỗ lực của cán bộ địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền.

Theo lời ông Đóa, 30km đường liên thôn vào 15 khu hành chính của xã Trung Sơn còn nhiều khó khăn. Trong đó, có vùng Sáu khe (gồm khe Tam, khe Nhồi, khe Bóp, khe Đồng Măng, khe Thanh Xuân, khe Gầy) thuộc vùng “cao hẳn,” biệt lập. Muốn đi tới nơi này, phải vượt quãng đường mòn, dốc cao, sói lở. Vào những ngày mưa, việc đi lại còn khó khăn gấp bội. Nếu đi xe máy phải khênh qua các “ngềnh” nước...

Thế nhưng, vượt qua những khó khăn ấy, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới vẫn được các cơ quan ở Trung Sơn rốt ráo hoàn thành. Ông Đinh Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc xã Trung Sơn cho hay, có lần đi đến khu Sáu khe để vận động cử tri, các cán bộ phải mất hàng tuần bởi trời mưa, giao thông chia cắt.

Lại nữa, ở Trung Sơn chỉ 65% địa bàn là có điện nên việc sử dụng loa phóng thanh lên địa bàn Sáu khe là điều không thể. Với việc nhiều người già không biết chữ, việc tuyên truyền buộc phải bằng miệng chứ không còn cách khác.

Ông Linh cũng cho hay, thông thường để có một cuộc họp dân, cán bộ xã phải đi xuống từng khu để... thông báo với Trưởng, Phó khu trước vài ngày vì không có điện thoại để liên hệ. Sau đó, Trưởng khu sẽ mất 1-2 ngày để vượt đồi núi, đi báo với từng nhà dân rồi vài hôm sau mới tới họp...

Trong trường hợp Trưởng khu đến lại không gặp do người dân đi làm rẫy, việc báo lại sẽ được nhờ hàng xóm. Nếu không, vị Trưởng khu lại phải lóc cóc ra về hay tìm lên tận rẫy để báo với người dân.

Bên cạnh đó, nhiều người già tại các bản không biết tiếng Kinh, nên việc tuyên truyền cũng gặp khó khăn. Rất may, những năm gần đây, bà con học tiếng Kinh nhiều, nên người nọ “phiên dịch” cho người kia để nắm bắt được tinh thần chung.

Ông Linh bảo, việc xuống khu Sáu Khe rồi gặp mưa không về được, phải ngủ lại nhà dân là việc... cơm bữa của cán bộ xã Trung Sơn. Tuy nhiên, chính việc ngủ nhờ này cũng là một cơ hội để các cán bộ có thể tuyên truyền nhiều hơn nữa tới người dân về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong công tác bầu cử.

Phó Chủ tịch xã Đinh Văn Đóa nóirằng, trong nhiều lần bầu cử trước đây, tỷ lệ người dân Trung Sơn đi bầu cử đạt được gần 100%. Và, trong đợt bầu cử đại biểu đại biểu Quốc hội khóa 13 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 này, xã đặt mục tiêu phấn đấu 100%.

“Nhiều người dân ở Trung Sơn gìơ đã nâng cao nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của việc đi bỏ phiếu, chọn người đại diện cho quyền lợi của mình. Do đó, mục tiêu trên chúng tôi đặt ra là hoàn toàn có cơ sở,” ông Đóa khoe./.

Xuân Trung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục