Colombia-Mỹ ký thỏa thuận về 7 căn cứ quân sự

Colombia và Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, một văn bản gây nhiều tranh cãi và căng thẳng nhiều tháng qua.
Ngày 30/10, Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Jaime Bermúdez và Đại sứ Mỹ tại Bogota William Brownfield đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, một văn bản gây nhiều tranh cãi và căng thẳng trong khu vực nhiều tháng qua.

Với thỏa thuận dự kiến công bố trong tuần tới, Mỹ sẽ được quyền triển khai 800 quân chính quy và 600 nhân viên hợp đồng tới 7 căn cứ quân sự của Colombia, trong đó có căn cứ chiến lược Palanquero trong thời hạn 10 năm.

Washington dự định tiến hành các hoạt động tuần tra bằng máy bay, tiếp tế, bảo dưỡng tàu chiến và công tác tình báo tại các cơ sở này.

Cả Bogota và Washington đều khẳng định thỏa thuận này chỉ là bước tiếp nối mối quan hệ hợp tác song phương sẵn có trong lĩnh vực chống buôn lậu ma túy và chống khủng bố, tuy nhiên nhiều chính phủ Nam Mỹ cho rằng đây chỉ là cái cớ để Mỹ can thiệp quân sự sâu hơn vào khu vực này.

Tại Colombia, các lực lượng chính trị đối lập, đặc biệt là đảng Tập hợp dân chủ thay thế (PDA), cũng đã lên tiếng phản đối thỏa thuận trên, nhất là việc chính phủ Colombia khước từ đệ trình văn bản này lên Quốc hội và Tòa án Hiến pháp.

Một vấn đề nhạy cảm khác là quyền miễn trừ của quân nhân Mỹ trên lãnh thổ Colombia vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Từ năm 2000 tới nay, Washington đã viện trợ cho Bogota, đồng minh quan trọng nhất của mình tại Nam Mỹ, tới 6 tỷ USD cho các chiến dịch chống buôn lậu ma túy thông qua khuôn khổ “Kế hoạch Colombia”.

Tuy nhiên, cho tới nay các hoạt động phạm pháp này vẫn chưa có chiều hướng giảm và Colombia vẫn tiếp tục là nhà sản xuất cocain lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ là thị trường tiêu thụ số một chất gây nghiện này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục