Gen trường thọ có quan hệ với khả năng ghi nhớ

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện loại gen trường thọ SIRT 1 có quan hệ mật thiết với khả năng ghi nhớ ở loài chuột thí nghiệm.
Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy trong quá trình thí nghiệm trên động vật, họ đã phát hiện loại gen trường thọ SIRT 1 có mối quan hệ mật thiết với khả năng ghi nhớ và học tập ở loài chuột thí nghiệm.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học mà đứng đầu là giáo sư Cai Lihui thuộc Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã tiến hành loại bỏ gen SIRT 1 của chuột thí nghiệm bằng cách lợi dụng công nghệ công trình chuyển đổi gen.

Khi so sánh với các con chuột thí nghiệm thông thường khác, các nhà khoa học phát hiện, ở chuột thí nghiệm thiếu hụt gen SIRT 1, các hippocampus phản ứng rất kém đối với sự kích thích của dòng điện.

Hippocampus là khu vực then chốt đối với khả năng ghi nhớ và học tập của đại não, ở những người mắc bệnh Alzheimer, hippocampus là một trong những khu vực của đại não bị tổn hại đầu tiên.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện, mật độ tế bào thần kinh của chuột thí nghiệm chuyển đổi gen cũng xuất hiện tình trạng hạ thấp. Đây là chỉ tiêu quan trọng đo lường tính linh hoạt của đại não. Ngoài ra, khi tiến hành trắc nghiệm trí nhớ, sự phân biệt vật thế mới và cũ ở chuột thí nghiệm kém hơn so với các chuột thông thường khác.

Theo giáo sư Cai Lihui, kết quả nghiên cứu cho thấy gen SIRT 1 có vai trò rất quan trọng trong đại não, đồng thời gen SIRT 1 còn có tiềm năng trong điều trị các chứng bệnh gặp khó khăn về nhận thức.

Kết quả nghiên cứu này mới chỉ là bước đầu, việc lợi dụng kết quả này để xây dựng thí nghiệm lâm sàng vẫn còn sớm, tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng cung cấp phương hướng mới cho công tác điều chế thuốc điều trị bệnh Alzheimer và các loại bệnh thoái hóa thần kinh./.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục