Dùng tro bếp xử lý nước giếng bị nhiễm sắt

Một học sinh trung học ở Thái Nguyên đã nghiên cứu thành công cách phát hiện và xử lý nguồn nước ngầm bị nhiễm sắt bằng tro bếp.
Học sinh Phùng Thủy Tiên, lớp Hóa K19, trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã thực nghiệm thành công và đưa ra biện pháp xử lý nước nhiễm sắt hiệu quả bằng tro bếp.

Công trình đã đoạt giải 3 cuộc thi quốc gia về "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" lần thứ 6 năm 2008 - 2009.

Trong nước ngầm, sắt phản ứng với một số thành phần khác tạo thành hiện tượng nước bị phèn sắt, có màu nâu đậm, do đó, các vật liệu tiếp xúc với nước giếng nhiễm sắt thường bị ố vàng nâu. Nước ngầm từ các vùng đất trũng thường chứa nhiều sắt.

Việc khai thác nước ngầm quá mức cũng làm mức nước ngầm hạ thấp xuống, làm tăng sự thâm nhập chất hữu cơ từ trên bề mặt vào nước và tăng hàm lượng sắt trong nước ngầm.

Từ việc nghiên cứu thực trạng này, chỉ bằng những vật liệu có sẵn tại địa phương, học sinh Phùng Thủy Tiên đã đưa ra biện pháp xử lý nước nhiễm sắt nêu trên.

Phương pháp xử lý này đơn giản, nguyên vật liệu dễ tìm, có thể tận dụng tro bếp là rác thải sinh hoạt, thân thiện với môi trường. Cách làm này có thể áp dụng quy mô hộ gia đình, nhất là những vùng người dân đang phải sử dụng nước giếng khoan.

Người dân có thể kiểm tra mức độ nhiễm sắt của nước bằng cách thử với nhựa chuối bằng việc lấy bẹ chuối băm nhỏ, vắt lấy nhựa cho vào mẫu nước thử. Kết quả nếu nước nhiễm sắt sẽ chuyển sang màu đỏ và mức độ nhiễm sắt tăng hay giảm tùy thuộc vào độ đậm của màu nước.

Sau đó, tro bếp được cho vào mẫu nước với liều lượng từ 5 đến 10g/l rồi để lắng trong vòng 15 phút. Các phản ứng hóa học xảy ra và hợp chất sắt không tan sẽ bị loại bỏ qua quá trình lọc.

Nước sau khi để lắng tro bếp sẽ được lọc 2 lần qua cát thạch anh. Sau đó, người dân có thể kiểm tra lại chất lượng nước đã qua xử lý bằng nhựa chuối hoặc pha với nước chè.

Tuy vậy, khi tiến hành lọc, người dân cũng không nên cho nhiều tro bếp vì nước sau khi xử lý xong sẽ hình thành một lớp màng trên bề mặt, khi bám vào các đồ dùng sinh hoạt sẽ rất khó rửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục