Người lưu giữ và truyền dạy làn điệu then Xứ Lạng

Là người Tày, ông Hoàng Huy Ấm được biết đến như một trong những người tiêu biểu, có tâm huyết lưu giữ, truyền dạy điệu Then cổ Xứ Lạng.
Sinh năm 1946, là người dân tộc Tày, ông Hoàng Huy Ấm được biết đến như là một trong những người tiêu biểu, có tâm huyết trong việc lưu giữ và truyền dạy những làn điệu Then cổ của Xứ Lạng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều đời làm Then nổi tiếng của xã Bình Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, nên từ nhỏ ông đã được nghe và biết rất nhiều làn điệu then, đặc biệt là những điệu Then cổ.

Ông Hoàng Huy Ấm cho biết trong dòng tộc nhà tôi ai cũng biết hát then. Trước đây hát then chỉ dùng để cúng bái, giao tiếp với thần linh trong các dịp lễ hội như lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, cầu mưa... và người ta có thể hát thâu đêm. Từ nhỏ, vốn mê hát Then nên tôi thường xuyên tham gia những lễ hội như thế.

Sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, tôi được về công tác tại Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc và đây chính là điều kiện tốt nhất để tôi có thời gian sưu tầm, nghiên cứu và gìn giữ các làn điệu Then cổ, ông Ấm nói.

Vì vậy, cứ thời gian rỗi hoặc dịp nghỉ Hè, ông lại đi các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang… gặp các nghệ nhân, để tìm hiểu và học thêm về then. Chính nhờ đó mà ông có nhiều cơ hội được tiếp cận, nghiên cứu và sưu tầm các làn điệu then cổ một cách bài bản hơn, ông đã sưu tầm được hơn 20 bài hát then cổ. Đối với ông, những cuốn sổ tay ghi chép các làn điệu then cổ là những tài sản quý giá, đồng thời cũng là “giáo trình” để ông truyền dạy cho lớp trẻ.

Sau nhiều năm đi thực tế, ông đã tự nghiên cứu, sưu tầm, cải biên, đặt lời và sáng tác ca khúc dựa trên các chất liệu dân gian địa phương. Năm 1985, tác phẩm đầu tiên do ông tự sáng tác là bản Khúc tính quê hương độc tấu bằng đàn then ra đời và sau này là những tác phẩm nổi tiếng như "Tiếng gọi mùa Xuân," "Khúc biến tấu 1 của đàn then," "Giai điệu then"… Từ những chất liệu văn hóa dân tộc như hát then, sli, mo, tào, ông đã kết hợp, đúc kết thực tiễn cuộc sống thành những lời ca, câu hát mang đậm chất nhân văn, mà vẫn giữ nguyên giá trị, bản sắc dân tộc.

Ông Ấm cho biết: then cổ có hai loại giai điệu là "tàng bốc” (hát then cao sơn), "tàng nặm”(then đường thủy). Đây là hai giai điệu chính, hay và độc đáo nhất mà tổ tiên dân tộc Tày để lại. Việc phân định then cổ với then mới chủ yếu là phân biệt từ cách vào bài hát, cũng như ngôn ngữ; then cổ thường được ghi chép lại bằng chữ Nho.

Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn miệt mài truyền dạy những làn điệu Then cho lớp trẻ. Nhiều học trò của ông đã trở thành những diễn viên thành công trên con đường nghệ thuật như: NSƯT Bích Hồng, Phan Muộn, Kim Oanh... Ngoài ra, ông đang nghiên cứu để xuất bản cuốn sách “Tuyển tập hát then”.

Theo ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, những người tâm huyết với văn hóa truyền thống như bác Hoàng Huy Ấm là rất đáng trân trọng. Những hiểu biết, kinh nghiệm và việc làm tâm huyết của bác, sẽ góp phần giúp cho làn điệu Then xứ Lạng sẽ mãi được gìn giữ, phát huy./.

Thắng Trung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục