Nguồn khí đốt ở khu vực Nam Á đang cạn kiệt

Nguồn khí đốt ở Nam Á đang cạn kiệt và các quốc gia trong khu vực đang cần khí đốt khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
Phóng viên TTXVN dẫn báo cáo đăng trên tạp chí "Châu Á ngày nay" mới đây cảnh báo rằng nguồn khí đốt ở khu vực Nam Á đang cạn kiệt và các quốc gia trong khu vực đang cần các nguồn cung cấp khí đốt khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

Theo báo cáo trên, Pakistan đang đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng do các mỏ khí tự nhiên giảm dần, trong khi nhu cầu nội địa tăng mạnh.

Bộ Xăng dầu và Tài nguyên Pakistan dự báo dựa trên những tính toán hiện nay, nếu Pakistan không tìm ra các mỏ khí đốt mới, nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt 507 triệu feet khối/ngày vào năm 2010.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) cũng cho biết trữ lượng khí đốt của nước này hiện chỉ đáp ứng 60% nhu cầu của phát triển của ngành công nghiệp và khoảng cách này sẽ ngày càng tăng vào năm 2011-2012.

ASSOCHAM nhấn mạnh Ấn Độ cần một nguồn cung cấp khí đốt ổn định để ngành điện lực và phân bón có thể đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp.

Trong khi đó, Bangladesh đã phải chịu cảnh thiếu hụt khí đốt hàng ngày trong 6 tháng qua và ít nhất 300 công ty chế tạo ở khu vực Chittagong, miền Nam nước này, đã phải đóng cửa.

Theo Bộ Năng lượng Bangladesh, sản lượng khí đốt của nước này hiện ở mức 1,87 nghìn tỷ feet khối/ngày, trong khi nhu cầu trong nước vào khoảng 1,92 nghìn tỷ feet khối/ngày.

Với mức tiêu thụ hiện nay, trữ lượng khí đốt đã được xác định của Bangladesh có thể sẽ cạn kiệt vào năm 2011.

Báo cáo dẫn đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết châu Á có thể sẽ dẫn đầu thế giới về nhu cầu khí đốt và nhiều khả năng sẽ trở thành khu vực tiêu thụ khí tự nhiên lớn nhất thế giới vào năm 2030./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục