Sức “nóng” thị trường Tết

Giảm sức “nóng” của thị trường dịp giáp Tết

Lường trước sức "nóng" của thị trường Tết, Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp bình ổn giá, nhất là các loại hàng tiêu dùng thiết yếu.
Gần đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, thị trường Hà Nội lại "nóng" lên, nhất là các loại hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống, làm xáo trộn ít nhiều cuộc sống người dân.


Lường trước chuyện này, các cơ quan quản lý thương mại và hệ thống doanh nghiệp thương mại trên địa bàn thủ đô đang thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả, góp phần "hạ nhiệt" thị trường.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội, cho biết việc tăng giá của thị trường hàng hóa cuối năm, ngoài yếu tố tâm lý, còn do ngoại tệ thời gian qua tăng, ảnh hưởng tới giá hàng hóa nhập khẩu, giá thành sản phẩm đội lên.

Ngoài ra, thông tin tăng lương cho cán bộ công nhân viên thực hiện vào đầu năm sau cũng khiến giá cả leo thang theo hiệu ứng dây chuyền.

Hiện nay, hàng hóa trên thị trường Hà Nội đã bắt đầu tăng giá khá mạnh, chẳng hạn sữa, bánh kẹo, bơ, phomát nhập khẩu tăng 5-20%; bánh kẹo trong nước tăng 2-5%, thực phẩm tươi sống tăng 5-10%, thủy hải sản tăng 5-10%, gạo tăng trên 10%, rau tăng gấp rưỡi hoặc gấp hai lần…

Cũng theo ông Phú, từ tháng 11 trở đi, mỗi gia đình ở Hà Nội phải chi tiêu thêm từ 300.000-800.000 đồng/tháng, nếu không chuẩn bị trước thì sau Tết giá còn tiếp tục tăng nữa.

Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ lượng lưu chuyển hàng hóa trên thị trường Hà Nội nhưng hệ thống doanh nghiệp thương mại, siêu thị, trung tâm thương mại vẫn coi việc giữ bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường là một nhiệm trọng tâm.

Thực tế, những siêu thị, trung tâm thương mại ở Thủ đô có sức hấp dẫn lớn đối với người tiêu dùng do giá cả hàng hóa ổn định lại niêm yết công khai. Bà Đinh Thị Nga, Trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp - Công ty Xuất nhập khẩu Intimex cho biết, nhiều nhà cung cấp đã yêu cầu tăng giá hàng nhập vào nhưng công ty chưa chấp nhận và đang đàm phán với họ.

Trong thời gian này, hệ thống siêu thị Fivimart cũng nhận được yêu cầu tăng giá của một số nhà cung cấp, tuy nhiên doanh nghiệp chưa đồng ý. Theo hợp đồng, yêu cầu tăng giá phải thông báo trước một tháng, nhà cung cấp và nhà kinh doanh cùng xem xét yếu tố hợp lý của việc tăng giá, áp dụng tăng giá từng bước, tránh gây “sốc” cho người tiêu dùng và thị trường.

Để đảm bảo nguồn hàng đủ cung cấp cho người tiêu dùng, các siêu thị bắt đầu dự trữ hàng hóa từ hơn một tháng nay.

Ông Sỹ Danh Phúc, Giám đốc Fivimart Hoàng Quốc Việt, cho biết đã chủ động làm việc với nhà cung cấp từ vài tháng qua, khai thác nguồn hàng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Năm nay, lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp tăng từ 20-25% so với Tết năm ngoái.

Fivimart cũng thúc đẩy kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng cao và đặt kỳ vọng lượng khách đến với hệ thống soêu thị này sẽ tăng cao so với Tết năm trước.

Theo ông Trần Ngọc Thiều, Trưởng ban kinh doanh Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, dịp Tết này doanh nghiệp dự trữ 2.600 tấn gạo phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội dự trữ gạo, thịt gia súc gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn… với tổng giá trị khoảng 400 tỷ đồng; Tổng Công ty Rượu bia nước giải khát Hà Nội chuẩn bị 70 triệu lít bia rượu các loại, Công ty CP bánh mứt kẹo Hà Nội đã sẵn sàng 400 tấn bánh kẹo.

Về phía cơ quan chủ quản, Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương Hà Nội Hồ Quốc Khánh cho biết thành phố vừa cho 12 doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn vay 250 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với năm trước, với lãi suất 0% để dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục Tết.

Đây được coi là động thái tích cực của thành phố trong việc góp phần bình ổn giá thị trường, tránh gây khan hiếm hàng hóa cục bộ.

Hiện Sở Công thương cũng đang đề xuất thành phố cho phép các xe tải hạng nhẹ chuyên chở thực phẩm vào thành phố trong những giờ cao điểm dịp Tết Nguyên đán, kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường.

Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác nguồn hàng từ các tỉnh đưa về Hà Nội vào dịp Tết, tăng cường giám sát, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý, tạo “sốt” ảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục