DN kinh doanh vàng miếng sẽ thu hẹp khoảng 100 lần

Theo Chủ tịch Công ty Vàng Agribank, hiện có hàng nghìn cửa hàng kinh doanh vàng miếng, nhưng chỉ có dưới 20 cửa hàng đạt tiêu chí mới.
Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 3/4 sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được tiêu chí phải thay đổi tổ chức kinh doanh.

Theo nghị định này, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế) và có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Trao đổi với PV Vietnam+, ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết, với điều kiện như nghị định quy định thì rất ít doanh nghiệp có thể tham gia kinh doanh vàng miếng được. Trong thời gian tới, ông Châu và một số doanh nghiệp sẽ có kiến nghị tập thể đến Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam để xem xét nới rộng quy định.

Theo ông Châu, nếu chiểu theo tiêu chí trên sẽ chỉ có một, hai doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; bản thân Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cũng không đáp ứng được hết các tiêu chuẩn theo nghị định.

Ông Châu cho rằng, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phải bỏ hoạt động kinh doanh vàng miếng và chuyển hướng sang kinh doanh vàng trang sức.

“Đây sẽ là hướng chung của thị trường chứ không phải của riêng Bảo Tín Minh Châu,” ông Châu khẳng định.

Trong khi đó, ông Phạm Hải Âu, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty vàng bạc Phú Quý lại không tỏ ra lo lắng. Ông cho biết, Nghị định mới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức sản xuất và kinh doanh của công ty vì Phú Quý chủ yếu bán lẻ vàng miếng với số lượng không nhiều. Chiếu theo quy định thì cửa hàng chỉ cần hoàn thành hồ sơ về việc đăng ký kinh doanh là ổn thoả.

Theo ông Âu, chỉ những doanh nghiệp lớn mới bị ảnh hưởng khi Nghị định này chính thức có hiệu lực.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng miếng đang lo lắng và rối bời trước các phương án kinh doanh mới thì các ngân hàng kinh doanh vàng lại "bình chân như vại." Nghị định mới sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn tới việc kinh doanh của họ.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Công ty Vàng Agribank (AJC) cho biết, chắc chắn thới gian tới, với việc quản lý vàng chặt chẽ, rất nhiều doanh nghiệp hiện đang kinh doanh vàng miếng sẽ không đạt tiêu chí. Trước đây, có thể có hàng nghìn cửa hàng kinh doanh vàng miếng nhưng giờ sẽ chỉ có dưới 20 cửa hàng được phép kinh doanh sản phẩm này.

Theo ông Trúc, các ngân hàng kinh doanh vàng miếng không cần phải lo lắng vì hầu hết các ngân hàng đều đạt tiêu chuẩn kinh doanh vàng miếng tại Nghị định mới.

Ông Trúc cho biết, mặc dù Nghị định mới được ban hành nhưng tinh thần của Nghị định này đã được phổ biến tới các nhà sản xuất, kinh doanh từ 3, 4 tháng trước, bản thân AJC đã có sự chuẩn bị nên hoạt động tổ chức kinh doanh sản xuất sẽ không có nhiều thay đổi trong thời gian tới.

Đánh giá về tình hình thị trường trong thời gian tới, ông Trúc dự đoán, ban đầu, số doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng sẽ giảm khiến thị trường nhất thời trở nên trầm lắng, nhưng tình trạng này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.

Sau đó,  nhiều chi nhánh của ngân hàng, cơ sở kinh doanh vàng được tổ chức lại và sẽ đảm bảo được nhu cầu của người dân, thị trường khi đó sẽ trở lại bình thường.

Ông Trúc cũng đồng tình với ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp không đủ tiêu chí kinh doanh vàng miếng sẽ hướng tới kinh doanh vàng trang sức. Tuy nhiên, "thị trường vàng trang sức sẽ không sôi động mà vẫn duy trì ở mức bình thường vì còn phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu của người dân," ông Trúc nhận định.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng, khống chế chặt chẽ việc kinh doanh vàng miếng sẽ giúp kiểm soát từ đầu nhập, xuất đến chất lượng vàng, chống tình trạng đầu cơ.

“Đây là biện pháp tốt, trước đây chúng ta thả lỏng việc kinh doanh vàng miếng đã tác động tới tình trạng nhập, xuất hay dự trữ, mua bán, quyền lợi của dân vì thế không đảm bảo. Điều đó khiến thị trường vàng đôi khi rối loạn, có yếu tố đầu cơ, lợi ích cá nhân xen vào nên khó quản lý chặt,” ông Kiêm nói.

Theo ông Kiêm, quy định mới không ảnh hưởng nhiều tới thị trường, doanh nghiệp kêu khó khăn nhưng sẽ phải chấp nhận vì phải đặt yếu tố an toàn, chặt chẽ của thị trường và nền kinh tế lên trên hết.

Cũng trong sáng nay, giá vàng đã có diễn biến khá phức tạp. Buổi sáng, thị trường trong nước đã chứng kiến cảnh tụt dốc khá mạnh khi giá vàng giảm gần 300.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua.

Tuy nhiên, đến trưa, thị trường đã có khởi sắc khi giá vàng SJC Hà Nội đứng ở mức mua vào 43,35 triệu đồng/lượng và bán ra 43,57 triệu đồng/lượng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng SJC cũng ở ngưỡng 43,35-43,55 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Thời điểm 11 giờ, giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Doji cũng được điều chỉnh tăng 250.000 đồng/lượng so với buổi sáng khi mức mua vào là 43,45 triệu đồng/lượng và bán ra 43,57 triệu đồng/lượng.

Tới thời điểm 3 giờ chiều, giá vàng trong nước vẫn dao dộng quanh ngưỡng này, không thay đổi so với trưa nay. Tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại hôm nay vẫn phổ biến ở mức 20.800-20.860 đồng/USD (mua vào/bán ra)./.

Dũng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục