Việt Nam quan tâm đến vấn đề bảo trợ xã hội

Ngày 8/10, buổi lấy ý kiến tham vấn cuối cùng về Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam đã diễn ra tại Hải Phòng.
Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức một cuộc hội thảo tại Hải Phòng, ngày 8/10, nhằm lấy ý kiến tham vấn lần cuối cùng cho Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011- 2020 mà Chính phủ Việt Nam đang xây dựng.

Theo tin từ GTZ, hội thảo tập trung vào các vấn đề chiến lược thúc đẩy tạo việc làm cho thanh niên, sự tham gia của họ vào các chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế.

Những ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo này sẽ được tổng hợp để hoàn thiện dự thảo Chiến lược và trình Chính phủ phê duyệt, dự kiến vào cuối năm nay, sau khi đã thu thập ý kiến đóng góp, không chỉ của giới chuyên gia mà của cả đại diện những người sẽ tổ chức thực hiện chiến lược tại cấp tỉnh, từ những lần tham vấn trước đó.

Hội thảo tham vấn này là một phần hoạt động trong khuôn khổ Dự án giảm nghèo do Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội phối hợp với GTX thực hiện với nguồn tài trợ 4 triệu euro từ Chính phủ Đức. Dự án được thực hiện từ năm 2006 đến năm 2012.

Bà Ellen Kramer, Cố vấn trưởng dự án, cho rằng công tác thiết kế và triển khai một chiến lược an sinh xã hội hợp lý là hết sức cần thiết đối với công cuộc phát triển bền vững. Bà nhận xét Việt Nam là một trong số những nước đang theo đuổi việc xây dựng các chiến lược hợp lý và phù hợp nhằm bảo vệ các nhóm đối tượng người nghèo và yếu thế tránh khỏi những rủi ro và kết nối họ tới các dịch vụ cần thiết cũng như giúp họ thoát khỏi đói nghèo.

Theo dự thảo Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020, chính sách an sinh xã hội của Việt Nam được xây dựng trên ba thành tố chính là chính sách thị trường lao động tích cực, bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội nhằm mục tiêu đến năm 2020, đảm bảo cho mọi thành viên trong xã hội có mức sống trung bình, không bị rơi vào tình trạng bần cùng hóa, kể cả trong trường hợp rủi ro bất thường. Trong đó, các nhóm đối tượng được hỗ trợ nhiều nhất là người già, trẻ em, người tàn tật./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục