Các ngân hàng nhỏ chật vật lo giữ khách gửi tiền

Động thái kiên quyết của Ngân hàng Nhà nước khi ban hành Thông tư 30 đã khiến lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng đồng loạt "rơi" về mức 6% thay vì bị đẩy lên kịch trần 14% như trước. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo lại được đường cong lãi suất vốn đã mất mấy năm nay. Tuy nhiên, bị mất "vũ khí" là các gói lãi suất ngắn hạn hấp dẫn, các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đang phải "gồng mình" cạnh tranh với các "ông lớn" để giữ chân khách gửi tiền.
Sau khi được ban hành, Thông tư 30 của Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức có tác dụng, khiến lãi suất huy động ngắn hạn dưới 1 tháng đồng loạt "rơi" về mức 6%, thay vì các mức kịch trần 14%/năm như trước ngày 1/10. Tuy nhiên, để cạnh tranh được với các "ông lớn," các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ lại đang phải "gồng mình" giữ chân khách gửi tiền.

Kỳ hạn ngắn về vị trí cũ

Động thái của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trước thực tế nhiều ngân hàng thương mại ồ ạt tung ra các chương trình huy động ngắn hạn (kỳ hạn từ 1 đến 6 ngày và kỳ hạn tuần) với lãi suất kịch trần 14% như các kỳ hạn dài 1 tháng đến 12 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động vốn trên thị trường diễn biến theo đường thẳng ngang, chứa đựng nhiều bất bình thường, trái với quy luật tiền tệ và tiềm ẩn nhiều rủi ro thanh khoản.

Với việc bị khống chế lãi suất huy động vượt trần không quá 14%/năm, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ như Western Bank, SCB, ABBank hay VietABank từng phải tung ra các chương trình đẩy mạnh huy động vốn với lãi suất ngắn hạn tuần, ngày lên sát trần quy định. Tuy nhiên, một số ngân hàng thậm chí chỉ vừa tung ra sản phẩm huy động ngắn hạn với lãi suất cao đã phải rút xuống ngay khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định tất cả các kỳ hạn dưới 1 tháng lãi suất chỉ có 6%/năm.

Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính, với Thông tư 30, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đã rất rõ là muốn chuyển kỳ hạn tiền gửi từ ngắn hạn sang dài hơn. Mức lãi suất 6%/năm là quá thấp, chắc chắn người dân sẽ không gửi không kỳ hạn dưới 1 tháng nữa. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo lại đường cong lãi suất vốn mất mấy năm nay, nghĩa là kỳ hạn gửi càng dài thì lãi suất càng cao.

Tuy nhiên, việc áp trần lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng chỉ còn 6%/năm đã làm mất khả năng cạnh tranh trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại nhỏ. Với mức lãi suất bằng nhau thì gửi tiền tại các ngân hàng thương mại lớn có uy tín sẽ an toàn hơn rất nhiều so với các ngân hàng nhỏ. Người gửi tiền sẽ chọn các ngân hàng lớn để gửi tiết kiệm.

Sức ép thanh khoản

Khi những diễn biến lãi suất xảy ra, tâm điểm chú ý là các nhà băng nhỏ, bởi lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng này chủ yếu dựa vào lãi suất cao để hút tiền gửi. Một số ngân hàng nhỏ phản ánh lượng tiền gửi sụt giảm đáng kể từ hơn tháng qua khi áp dụng nghiêm quy định về trần lãi suất 14%/năm.

Các ngân hàng thương mại nhỏ như Navibank, DaiABank, VietABank bị rút tiền huy động và tiền gửi sụt giảm nhiều. Navibank cho biết tính đến ngày 17/9 ngân hàng này bị rút khoảng 537 tỷ đồng. Trong khi đó, các ngân hàng lớn như Eximbank, ACB... lại có được mức tăng mạnh của tiền gửi từ dân cư.

Chính vì vậy, một số nhà băng ít có thế mạnh bắt đầu phải "gồng mình" để giữ chân khách gửi tiền. Chị Nguyễn Tú Anh, nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần chi nhánh tại Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho biết, tháng trước có một vị khách gửi 2,7 tỷ đồng với không kỳ hạn, lãi suất là 12%/năm, tuy nhiên, ngày 3/10 vị khách này đã đến đòi rút hết tiền, những nhân viên ở đây đã phải năn nỉ khách và hứa hẹn sẽ dành những phần quà hấp dẫn nhất thì vị khách này mới thôi không rút tiền nữa.

Còn tại một ngân hàng khác trên phố Xã Đàn (phường Nam Đồng, Đống Đa), những nhân viên ở đây cũng đã phải lên kế hoạch trấn an một số khách có ý định rút tiền từ khi có thông báo mới của Ngân hàng Nhà nước.

Theo bà Trần Thanh Hoa, Tổng giám đốc ABBank, cạnh tranh huy động tiết kiệm trong bối cảnh thị trường hiện khó khăn hơn trước, vì thế với ABBank dù còn dư địa cho vay khá nhiều, nhưng ABBank cũng phải cân đối nguồn để phát triển cho vay.

Thực tế, việc phải tung ra các kỳ hạn vốn huy động theo ngày hay theo tuần với lãi suất lên đến 14% là biện pháp mà các ngân hàng thương mại nhỏ khắc phục sự lép vế với các ngân hàng thương mại lớn khi việc thực hiện theo trần lãi suất huy động 14% bị siết chặt. Dù tiềm ẩn nhiều rủi ro thanh khoản, song các ngân thương mại vẫn buộc phải thực hiện nhằm giữ chân khách hàng trước nguy cơ vốn chảy sang các ngân hàng mạnh hơn.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho rằng với một mức lãi suất tiền gửi được cào bằng 14%/năm và áp dụng đồng đều cho tất cả ngân hàng vốn đã rất khó cho những ngân hàng quy mô nhỏ nên việc đưa ra kỳ hạn tiết kiệm tuần hoặc ngày cũng là một trong những giải pháp để cạnh tranh thu hút tiền nhàn rỗi giữ vốn tiết kiệm trong lúc này.

Để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nhỏ, trong tháng 9 Ngân hàng Nhà nước đã tích cực sử dụng công cụ thị trường mở. Một mặt, Ngân hàng Nhà nước nâng kỳ hạn cho vay trên thị trường mở từ 7 ngày lên 14 ngày, mặt khác, nâng lượng bơm ròng lên đến 28.000 tỷ đồng trong tháng 9.

Tuy nhiên, để có được vốn từ thị trường mở, các ngân hàng thương mại lại cần có trái phiếu chính phủ. Điều này vốn không phải thế mạnh của các ngân hàng thương mại nhỏ. Để đảm bảo thanh khoản, các nhà băng này buộc phải tìm đến nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cũng như tìm cách hạn chế cấp tín dụng cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tín dụng thì đây thực sự là một điều không thuận lợi với ngân hàng nhỏ.

Nhận định về lãi suất trong thới gian tới, bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đã quay về 14%/năm trên toàn hệ thống, vấn đề của các ngân hàng hiện nay là phải xóa bỏ tình trạng mặc cả lãi suất, thiết lập lại trật tự đã có. Cần phải ổn định tâm lý người dân để họ tin tưởng vào hệ thống ngân hàng và gửi tiền vào đây.

Còn theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị và Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, xu hướng lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI). CPI tháng 9 đã có dấu hiệu giảm nhiệt, chỉ tăng 0,82% so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, theo ông Dương, nếu tính theo năm thì lạm phát vẫn còn ở mức khá cao. Đồng thời, trước xu hướng sụt giảm của lãi suất tiết kiệm, tâm lý nhiều người cho rằng, gửi tiền ngân hàng không còn lợi như trước đây nên sẽ tìm cách chuyển hướng.

Song ông Dương cũng cho rằng, cần thiết phải giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là mùa kinh doanh cao điểm cuối năm đang cận kề./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục