Tù nhân trẻ nhất ở Guantanamo được thả về nhà

Omar Khadr đã ngồi tù cả một thập kỷ qua, kể từ khi tới Guantanamo ở tuổi 16, khiến anh ta trở thành tù nhân trẻ nhất bị giam ở đây.

Người phương Tây cuối cùng bị giam giữ tại nhà tù Vịnh Guantanamo, vốn bị bắt vì đã tham gia chiến đấu dưới hàng ngũ Al Qaeda ở Afghanistan khi còn là một thiếu niên, đã trở lại quê nhà Canada hôm 29/9, sau nhiều năm bị chính quyền Bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper cản trở.

Omar Khadr đã ngồi tù cả một thập kỷ qua, kể từ khi tới Guantanamo ở tuổi 16, khiến anh ta trở thành tù nhân trẻ nhất từng bị giam ở nhà tù khét tiếng này. Tranh cãi liên quan tới độ tuổi của Khadr đã khiến anh ta trở thành một trong những tù nhân nổi tiếng nhất ở đây. Khadr bị bắt và tống giam sau khi giết chết một lính Mỹ trong một trận chiến diễn ra hồi năm 2002 ở Afghanistan. Sau khi trở về nước, Khadr sẽ tiếp tục phải thụ án tù 8 năm vì tội trạng đã gây ra. Theo luật Canada, Khadr có thể sẽ được phóng thích sớm 1 năm. Tuy nhiên giới chức Canada nói rằng số phận của nhân vật này sẽ do Ủy ban xem xét phóng thích Canada quyết định. Các luật sư của Khadr cho biết anh ta chỉ được trả về Canada sau khi họ đưa Cơ quan An toàn Công cộng Canada ra tòa. Luật sư Brydie Bethell nói rằng Bộ trưởng Bộ An toàn Công cộng Vic Toews đã xử lý một cách hoàn toàn sai lầm vụ của Khadr. "Chúng tôi nghĩ rằng ngài bộ trưởng biết rõ việc ông ta có thể bị xấu mặt tại tòa án và rằng chúng tôi sẽ chiến thắng. Không nghi ngờ gì về việc ông có thể đã nhận được một số lời khuyên pháp lý tốt và kết quả là những gì đã diễn ra" - bà nói. Khadr đã rời nhà tù Guantanamo trên một chiếc máy bay quân sự Mỹ. Anh ta đã được đưa ngay tới nhà tù  an ninh tối đa Millhaven ở Bath, Ontario. Tổng cộng vẫn còn 166 tù nhân đang bị giam giữ tại Guantanamo. Khadr được cho phép chuyển về Canada kể từ tháng 10/2011, sau khi thừa nhận có tội hồi năm 2010 với 5 cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, gồm tội ném lựu đạn khiến trung sĩ Mỹ Christopher Speer thiệt mạng. Khadr đã ký đơn xin chuyển về Canada và gửi lên nhà chức trách Mỹ vào tháng 11 năm ngoái. Cả Ottawa và Washington đã phê chuẩn việc đưa Khadr tới Canada, nhưng hoạt động này bị trì hoãn do đôi bên không thống nhất một số chi tiết. Sinh tại Toronto, Canada vào năm 1986, trong một gia đình chiến binh Hồi giáo, Khadr đã cùng gia đình trở lại Pakistan từ lúc còn rất nhỏ, nhằm giúp đỡ hoạt động tái thiết dọc theo khu vực biên giới Pakistan-Afghanistan, khi quân đội Liên Xô rút về nước. Sau năm 1996, gia đình đã sống tại Jalalabad, Afghanistan, nơi Khadr có cơ hội gặp gỡ thủ lĩnh Al Qaeda Osama bin Laden. Khadr mới chỉ 15 tuổi khi anh ta bị bắn và bị bắt trong một cuộc đột kích dài 4 tiếng của Mỹ ở Afghanistan. Giờ đây Khadr đã là một người đàn ông cao ráo, rậm râu, mặt mũi đầy sẹo.

Omar Khadr giờ đã trở thành người đàn ông với râu ria xồm xoàm (Nguồn: AFP)
Suzanne Nossel, một quan chức thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế Mỹ đánh giá trường hợp của Khadr là một ví dụ cho thấy vì sao Guantanamo nên bị đóng cửa, "không phải trong ngày mai mà ngay ngày hôm nay." Bà kêu gọi Obama giữ lời hứa đóng cửa nhà tù ở Guantanamo và đảm bảo rằng các phạm nhân của nó được "truy tố, xét xử một cách công bằng hoặc trả tự do." Tổng thống Mỹ Barack Obama từng hứa đóng cửa nhà tù, nhưng tiến trình này đã bị trì hoãn, do các quan ngại về việc gửi những kẻ cực đoan này về quê, do sự phản đối của các nghị sĩ đối lập và các chính trị gia trong việc xử chúng trên đất Mỹ. Theo Baher Azmy, giám đốc pháp lý của Trung tâm nghiên cứu quyền được hiến pháp ghi nhận, việc chuyển Khadr về Canada đã đánh dấu chấm hết cho những chương ngu ngốc nhất trong lịch sử Guantanamo. Azmy cũng kêu gọi Ottawa chấp nhận các tù nhân Guantanamo khác như Djamel Ameziane, kẻ đã sống ở Canada từ năm 1995-2000. Gia đình Khadr ở Canada đã lên tiếng hoan nghênh việc anh ta được đưa về nước và nói rằng họ sẽ tới thăm anh ta trong tù./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục