Sân bay Lai Châu chính thức hoạt động vào 2012

Sân bay Lai Châu sẽ chính thức đi vào hoạt động, phục vụ hành khách vào năm 2012 với chỉ tiêu vận chuyển 7.300 hành khách/năm.
Theo kế hoạch, sân bay Lai Châu sẽ chính thức đi vào hoạt động, phục vụ hành khách vào năm 2012 với dự báo chỉ tiêu vận chuyển 7.300 hành khách/năm, sau đó tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng, đến năm 2030.

Quy hoạch sân bay này đã được Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu công bố ngày 13/6.

Theo quyết định phê duyệt "Quy hoạch sân bay Lai Châu giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" của Bộ trưởng Giao thông-Vận tải, sân bay Lai Châu được xây dựng tại Đội 5 thị trấn Tân Uyên (cách trung tâm tỉnh lỵ gần 60km về phía Đông-Nam) với cấp 3C theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng quốc tế và sân bay cấp 3 đối với hoạt động quân sự.

Trong giai đoạn đến năm 2020, Sân bay Lai Châu có chức năng trong mạng cảng hàng không, sân bay dân dụng toàn quốc, là sân bay dịch vụ nội địa; đến năm 2030 là cảng hàng không nội địa.

Theo phương án phê duyệt, Sân bay Lai Châu có kích thước đường cất-hạ cánh dài gần 2.000m, rộng 30m đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay đến cấp F70, ATR72 và tương đương.

Quy hoạch khu kỹ thuật gồm khu phục vụ hành khách với nhà ga công suất 40.000 khách và 100 tấn hàng hóa/năm, đến năm 2030 mở rộng lên 110.000 hành khách và hơn 300 tấn hàng hóa/năm.

Các hạng mục khác gồm nhà trực và phục vụ điều hành, nhà cảng vụ, nhà xe ngoại trường, khu cấp nhiên liệu, khu khí tượng, hệ thống cứu nguy- cứu hỏa, hệ thống cấp điện-nước...

Toàn bộ sân bay nằm trong quy hoạch sử dụng đất với diện tích trên 117ha, tổng mức vốn đầu tư 4.350 tỷ đồng.

Lai Châu là tỉnh miền núi Tây Bắc có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội và an ninh-quốc phòng với cả nước. Do mới thành lập nên hệ thống giao thông của tỉnh này chưa đồng bộ, chưa có đường không và đường thủy, chỉ có duy nhất tuyến Quốc lộ 32 nối Quốc lộ 4D với chất lượng thấp, nhiều đoạn đi lại khó khăn.

Việc quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng Sân bay Lai Châu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội và việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước./.

Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục