Hơn 6.000 người suy thận mãn đợi được ghép thận

Giám đốc Bệnh viện 103 cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước có khoảng 6.000 người suy thận mãn cần được ghép thận.
Thiếu tướng, phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103- Học viện Quân Y cho biết, theo các thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước có khoảng 6.000 người suy thận mãn cần được ghép thận.

Con số trên được đưa ra tại  lễ Kỷ niệm 20 năm ngày tiến hành ca ghép tạng đầu tiên trên người tại Việt Nam (4/6/1992-4/6/2012), tổ chức ngày 1/6, tại Bệnh viện Quân y 103. Nhân dịp này Học viện Quân Y đã tổ chức Hội thảo khoa học "20 năm ghép tạng tại Việt Nam."

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các nhà khoa học, cán bộ y tế Việt Nam đã cống hiến cho lĩnh vực ghép tạng trong điều kiện Việt Nam còn nhiều khó khăn; đồng thời khẳng định, một trong 10 phát minh khoa học kỹ thuật được ghi nhận và làm thay đổi cuộc sống nhân loại trên trái đất của thế kỷ 20 là ghép mô, bộ phận cơ thể con người.

Tại Việt Nam, sau 20 năm kể từ ngày tiến hành ca ghép tạng đầu tiên đến nay, chuyên ngành ghép tạng đã phát triển vượt bậc và lan tới 12 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước. Bệnh viện 103 - Học viện Quân y, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế là những đơn vị đi đầu thực hiện thành công lấy ghép đa tạng từ người cho chết não. Từ một người chết não hiến tạng, các bác sỹ đã triển khai cấy ghép đồng thời tim, gan, thận, giác mạc... cho 4-5 bệnh nhân. Việc cho và ghép tạng là một kỳ tích trong y học, hết sức tiết kiệm, thuận tiện đạt hiệu quả cao và mang ý nghĩa nhân văn lớn lao, góp phần từng bước thay đổi quan niệm chết toàn thây trong cộng đồng.

Ghép tạng là phương thức điều trị tối ưu cho những bệnh nhân bị bệnh giai đoạn cuối. Chính vì vậy, thời gian tới, ngành y tế cần tăng cường chương trình ghép tạng trong nước; các cơ sở y tế, các bệnh viện, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, học tập, trao đổi trình độ chuyên môn, ứng dụng thành tựu y học hiện đại cũng như những tiến bộ của chuyên ngành ghép tạng trên thế giới và khu vực giúp đẩy mạnh và phát triển hơn nữa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam.

Theo các nhà y khoa, do quan niệm của người Á Đông, những bệnh nhân may mắn được ghép tạng tại Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều các bệnh nhân được chỉ định và có nhu cầu được ghép tạng. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn tạng ghép. Để giải quyết được vấn đề này cần phải có sự phối hợp đồng bộ, sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và kể cả sự thay đổi về nhận thức, phong tục tập quán, thói quen của người dân về vấn đề liên quan tới việc hiến tạng. Bên cạnh việc hoàn thiện kỹ thuật điều trị, chăm sóc, ngành y tế cần tăng cường truyền thông giáo dục cộng đồng; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để khuyến khích việc hiến mô tạng và thiết lập hệ thống quản lý hiến và ghép mô tạng thật hiệu quả.

Trên thế giới, các chuyên gia đã nghiên cứu về ghép tạng vào những năm đầu của thế kỷ 20 và đến nay ở các nước có nền y học phát triển, ghép tạng không phải là vấn đề mới lạ mà đã trở thành kỹ thuật được tiến hành thường quy. Thành tựu về ghép tạng cũng như sự phát triển của y học đang mang lại nhiều lợi ích cho những người mắc bệnh suy tạng mãn tính giai đoạn cuối, giúp họ có điều kiện kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, trên thế giới mỗi năm có khoảng 50.000 trường hợp ghép tạng được tiến hành với tỷ lệ sống thêm sau ghép trên 1 năm và 5 năm là từ 80-90%.

Điểm qua thành tựu ghép tạng Việt Nam đạt được trong 20 năm qua, phải kể đến thành công của ca ghép gan đầu tiên (2004) tiếp đến năm 2010, ca ghép tim đã được tiến hành thành công tại Bệnh viện 103 - Học viện Quân y.

Đến nay, cả nước đã có 12 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công, với gần 600 trường hợp ghép thận và chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây đã tiến hành ghép gần 300 ca với kết quả tốt. Nhiều bệnh viện ghép thận đã được thực hiện thường quy và có thể thực hiện đồng thời 2-3 ca ghép trong cùng một ngày với thời gian ghép trung bình là 3 giờ, thời gian nằm viện rút ngắn xuống chỉ còn 8 đến 10 ngày.

Theo số liệu điều tra sơ bộ mới được thực hiện tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy, ới 4.143 người mắc bệnh gan thì có đến 1.353 người được chỉ định ghép gan (chiếm 33,66%). Như vậy, số lượng người chờ được ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn.

Nguyên nhân của tình trạng này là do số người cho, hiến tạng ở nước ta quá hiếm hoi, mới đếm được trên đầu ngón tay. Từ trước đến nay, đa phần các tạng được ghép đều là những ca ghép tạng cùng huyết thống do chính cha mẹ ruột, anh chị, em... cùng gia đình hiến tặng hoặc cho. Người phương Đông, nhất là người Việt Nam thường quan niệm "sống để đức, chết phải toàn thây." Chính vì vậy, có nhiều trường hợp khi còn sống thì đồng y hiến tạng nhưng khi mất đi gia đình lại không đồng y hiến tạng...

Tại đây, các chuyên gia tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan như: mô hình tổ chức ghép gan, thận từ người cho chết não; nghiên cứu, xây dựng cơ số thuốc, vật tư y tế phục vụ ghép tim thực nghiệp; đảm bảo truyền máu cho ghép thận, gan và tim trên người; kết quả lâm sàng, cận lâm sàng, nhu cầu ghép tụy ở bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện 103 - Học viện Quân y.

Ghi nhận những đóng góp hết sức to lớn và nhân văn, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba cho tập thể cán bộ y bác sĩ Bệnh viện 103 - Học viện Quân y đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên trao tặng tại Lễ kỷ niệm 20 năm ghép tạng tại Việt Nam./.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục