Đánh giá ô nhiễm kim loại nguồn nước Tây Nguyên

Nhằm đánh giá sự biến đổi môi trường tự nhiên và việc bảo vệ nguồn nước liên quan đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu “Đánh giá ô nhiễm kim loại nặng tại một số nguồn nước khu vực Tây Nguyên”.

Nhằm đánh giá sự biến đổi môi trường tự nhiên và việc bảo vệ nguồn nước liên quan đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu “Đánh giá ô nhiễm kim loại nặng tại một số nguồn nước khu vực Tây Nguyên”.
 
Viện đã tiến hành lấy các mẫu nước mặt, nước ngầm tại một số sông, hồ lớn của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) và thị xã Gia Nghĩa (Đắc Nông).
 
Tại các hồ nước lớn và sông, cán bộ nghiên cứu đã lấy các mẫu nước trên mặt, nước sát dưới đáy, có vị trí lấy mẫu nước gần khu dân cư, nơi cấp nước cho nhà máy nước, cấp nước sinh hoạt, gần khu công nghiệp.

Đối với nguồn nước ngầm, các mẫu nước được lấy tại giếng khoan nơi có nhiều dân cư sinh sống, có điểm lấy mẫu nước giếng khoan của 12 gia đình. Sau đó các mẫu nước được phân tích theo các phương pháp quy định theo tiêu chuẩn Việt Nam và SWEWW với hệ thống thiết bị sử dụng quang phổ hấp thụ nguyên tử.
 
Qua phân tích các mẫu nước sông Serepok, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho biết, trong số 10 kim loại cần xem xét thì, sắt (Fe) và mangan (Mn) có hàm lượng trung bình vượt tiêu chuẩn cho phép. Tuy vậy, sắt là nguyên tố không gây hại sức khoẻ. Điều đáng quan tâm là hàm lượng mangan cao hơn 3 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Các kim loại khác đều có hàm lượng ở mức thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.
 
Đối với nước sông Đắc Blà, hàm lượng kim loại nặng đã phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép. Những mẫu nước lấy từ Hồ Lắck ô nhiễm kim loại nặng ở mức cao nhất trong các điểm nghiên cứu. Trong đó hàm lượng sắt trung bình 50,70 mg/l, hàm lượng mangan 0,78 mg/l (vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần); hàm lượng nhôm (Al) ở mức cao (0,62 mg/l); hàm lượng kẽm (Zn) 0,13 mg/l (cao hơn tiêu chuẩn cho phép).
 
Đối với Biển Hồ là nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt của Pleiku, hàm lượng Asen (As), kẽm, đồng, cadimi (Cd), Crôm (Cr), Chì (Pb), thủy ngân (Hg) đều ở mức rất thấp (dưới ngưỡng cho phép). Tuy nhiên, kim loại sắt và mangan lại có hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép.
 
Kết quả phân tích những mẫu nước ngầm được lấy tại 5 xã, phường của các tỉnh Tây Nguyên, đều có hàm lượng sắt, mangan đạt tiêu chuẩn cho phép; hàm lượng nhôm khá cao, vượt tiêu chuẩn cho phép tại thị xã Gia Nghĩa, xã Ea Phê và phường Hội Phú. Đặc biệt, những địa bàn này không có mẫu nước chứa hàm lượng Asen cao hơn tiêu chuẩn cho phép; các kim loại: đồng, chì, crô, kẽm, cadimi đều ở mức thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục