Lo ngại vấn đề nợ công, chứng khoán châu Á giảm

Chứng khoán châu Á giảm tiếp trong phiên giao dịch mở cửa ngày 1/10 do lo ngại sự không chắc chắn về việc cứu trợ Tây Ban Nha.
Chứng khoán châu Á giảm trong phiên giao dịch mở cửa ngày 1/10, khi sự không chắc chắn về việc cứu trợ Tây Ban Nha và lo ngại về nhu cầu giảm trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ trên toàn cầu đã đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư.

[Chứng khoán châu Á tăng do "tin tốt" từ Tây Ban Nha]


Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,2%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 55,09 điểm, hay 0,62%, xuống 8.815,07 điểm. Thị trường Australia giảm 0,1%. Thị trường Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc đóng cửa nghỉ lễ.

Tại châu Âu, kết quả kiểm toán độc lập cho thấy các ngân hàng Tây Ban Nha cần tổng số vốn bổ sung 59,3 tỷ euro (76,3 tỷ USD). Kết quả này là phù hợp với ước tính của thị trường và được Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoan nghênh.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn về việc Tây Ban Nha có cần cứu trợ và nếu có thì là khi nào vẫn đang khiến các nhà đầu tư chưa thể yên lòng. Hy Lạp, một tâm điểm khác của khủng hoảng nợ, sẽ nối lại đàm phán với các nhà tài trợ quốc tế trong tuần này về gói cứu trợ và khả năng tồn tại trong liên minh tiền tệ.

Tại châu Á, số liệu chính thức về chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc sẽ được công bố trong ngày 1/10. Số liệu này đang được nhà đầu tư chờ đợi để có thể đánh giá về triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

Các nhà phân tích dự báo PMI trong tháng Chín sẽ là 49,8, tăng so với 49,2 trong tháng Tám. PMI dưới 50 có nghĩa hoạt động sản xuất đang giảm, điều sẽ làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro, nhất là khi các nhà chức trách Trung Quốc chưa quyết định về các biện pháp kích thích mới.

Trong khi đó, số liệu công bố ngày 1/10 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy lòng tin của các nhà chế tạo lớn ở nước này giảm trong quý 3, trong bối cảnh xuất khẩu yếu do khủng hoảng nợ ở châu Âu và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Mỹ và Khu vực đồng euro sẽ công bố kết quả điều tra về lĩnh vực chế tạo trong ngày 1/10. Tuy nhiên, điều được trông đợi nhất trong tuần này là báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, những số liệu việc làm đầu tiên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tiến hành QE3.

Tuần này cũng sẽ diễn ra cuộc họp bàn chính sách của các ngân hàng trung ương mà bắt đầu là Ngân hàng Dự trữ Australia vào ngày 2/10, tiếp theo là ECB, Ngân hàng Trung ương Anh và BoJ./.
 
Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục