Dấu ấn những phiên chợ hàng Việt tại Ninh Thuận

Nhận thức của người tiêu dùng ở Ninh Thuận đối với hàng Việt được nâng cao, nhờ đó sức tiêu thụ hàng hóa Việt ngày một tăng.
Sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do tỉnh Ninh Thuận phát động, cuộc vận động thực sự đã có sức lan tỏa đến người tiêu dùng từ miền ngược đến miền xuôi trong tỉnh. Nhận thức của người tiêu dùng ở các địa phương trong tỉnh đối với hàng Việt ngày càng được nâng cao, nhờ đó sức tiêu thụ hàng hóa Việt tại thị trường nội địa ngày một tăng.

Với sức hút từ người tiêu dùng, cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã ý thức, xem đó là cơ hội để nâng cao uy tín, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng ngày một rộng khắp.

Dấu ấn rõ nét của cuộc vận động đã được thể hiện qua các phiên chợ hàng Việt tại các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh như: Huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải....

Phiên chợ hàng Việt mỗi khi được tổ chức, đã để lại dấu ấn tốt đẹp với người tiêu dùng ở nông thôn, miền núi, bởi sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng cao, nhiều chương trình khuyến mãi kèm theo, giá cả phù hợp với thu nhập người dân nông thôn.

Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động, các doanh nghiệp ở Ninh Thuận đã thực hiện gần 100 đợt đưa hàng Việt về phục vụ nhân dân tại các vùng, miền trong tỉnh, với hơn 300 mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, đạt doanh thu gần 3,5 tỷ đồng, thu hút hơn 6.500 lượt người tham gia mua sắm.

Ông Nguyễn Hải Đông, Giám đốc Siêu thị Coopmart Thanh Hà, cho rằng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận phát động chính là sức mạnh, tạo sự lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng trong toàn tỉnh.

Coopmart Thanh Hà và một số doanh nghiệp kinh doanh tại Ninh Thuận đã tổ chức lễ phát động chương trình hưởng ứng "Ngày quyền người tiêu dùng Quốc tế 15/3," qua đó để tuyên truyền về quyền và nghĩa của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, vận động người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng "nói không" với hàng nhái, hàng giả, hàng không nhãn mác, không xuất xứ rõ ràng..., từ đó đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa do doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sản xuất.

Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, một trong những chuyển biến tích cực nhất trong triển khai cuộc vận động là đã vận động được các cơ quan, đơn vị có hành động thiết thực trong mua sắm, sử dụng hàng Việt; vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giá thành hạ, được người tiêu dùng chấp nhận.

Ngành Y tế đã tăng cường sử dụng các loại thuốc sản xuất trong nước để phục vụ công tác khám chữa bệnh, mặt hàng thuốc ở các đơn vị y tế sử dụng chiếm tỷ lệ trên 80%; Ngành Tài chính ưu tiên thẩm định mua sắm các loại hàng hóa được sản xuất trong nước; Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân các vùng miền, khu dân cư về nhận thức đối sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang thương hiệu Việt.

Hiệp hội các doanh nghiệp vận động các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh, hướng đến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng hóa của địa phương, thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để cuộc vận động ngày càng có sức lan tỏa, tạo sự chuyển biến thực sự về thói quen mua sắm của người dân, Sở Công Thương Ninh Thuận đã phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng các chương trình truyền thông, tuyên truyền về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm do các đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất, nhất là các sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng.

Sở Công Thương Ninh Thuận hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và phát triển thị trường, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn mua sắm hàng hóa, gắn với thực hiện chính sách bình ổn giá, xây dựng và thực hiện phương án đầu tư mở rộng mạng lưới kinh doanh lâu dài, ổn định; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai các chương trình khuyến mại hàng hóa sản xuất trong nước, nhằm kích cầu tiêu dùng.

Theo Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Nguyễn Đức Dũng, qua 3 năm thực hiện, cuộc vận động đã giúp cho người tiêu dùng trong toàn tỉnh có thêm điều kiện tiếp cận trực tiếp với các loại hàng hóa thương hiệu Việt, có thông tin về giá cả, chất lượng để so sánh với hàng ngoại nhập, từ đó thấy được tính ưu việt của hàng hóa trong nước.

Nhận thức của người tiêu dùng ở Ninh Thuận về việc ưu tiên mua sắm, sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ do các doanh nghiệp, nhà sản xuất của Việt Nam làm ra được nâng lên rõ nét. Đây là vấn đề quan trọng làm tiền đề cho việc chuyển biến về hành động của đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh theo xu hướng dùng hàng Việt chất lượng tốt, giá cả hợp lý, tạo cơ sở cho sự phát triển kinh, tế xã hội của Ninh Thuận trong tương lai./.

Công Thử (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục