Liên minh châu Phi thúc đẩy mục tiêu hội nhập khu vực

Ngày 1/2, Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 12 đã khai mạc tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia bàn về chủ đề tương lai phát triển của khu vực nhằm thúc đẩy hội nhập và gia tăng vị thế của châu lục trên trường quốc tế.

Ngày 1/2, Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 12 đã khai mạc tại thủ đô Addis Ababa,  Ethiopia bàn về chủ đề tương lai phát triển của khu vực nhằm thúc đẩy hội nhập và gia tăng vị thế của châu lục trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, hội nghị chỉ có khoảng 20 nguyên thủ quốc gia tham dự trên tổng số 53 thành viên của AU, và các ý kiến thể hiện nhiều sự chia rẽ về mô hình phát triển của AU trong tương lai.

Kết quả nổi bật nhất đạt được tại hội nghị là các đại biểu đã nhất trí chuyển đổi Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC), cơ quan điều hành của AU, thành Cơ quan quản lý AU (AUA) có nhiệm kỳ dài hơn và quyền hạn lớn hơn. Dự kiến, AUA sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2009 và tham gia giải quyết các vấn đề như đói nghèo, dịch bệnh, cải thiện hệ thống giáo dục, quản lý, các vấn đề pháp lý và giải quyết các xung đột của khu vực mà không cần sự can thiệp của bên ngoài.

Phát biểu với báo chí, Chủ tịch AUC Jean Ping cho biết đây là bước đầu tiên trong tiến trình hướng tới mục tiêu cuối cùng là thành lập Hợp chủng quốc châu Phi. Chủ tịch luân phiên AU, Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete cũng xác nhận kế hoạch các nước châu Phi sẽ thành lập một cơ quan có chức năng thúc đẩy việc thành lập một Chính phủ liên châu Phi thống nhất.

Tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu chỉ mới nhất trí trên nguyên tắc việc thành lập AUA mà chưa thảo luận các chi tiết liên quan đến hoạt động của cơ quan này. Lý do chính là các đại biểu vẫn chưa nhất trí được phạm vi quyền hạn của cơ quan này đối với mỗi quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, các cuộc khủng hoảng chính trị liên miên trong khu vực cũng là một trong những trở ngại lớn đối với tiến trình thảo luận vấn đề này. Tổng thống Tanzania cho rằng việc nhất trí thành lập cơ quan quản lý AU là một động thái chứng tỏ các nước trong khu vực đang xích lại gần nhau, song ông cũng thừa nhận việc thảo luận cơ cấu hoạt động của cơ quan này cần phải đợi đến hội nghị cấp cao AU tiếp theo tổ chức vào tháng 7 tới.

Ý tưởng thành lập "hợp chủng quốc châu Phi" là sáng kiến Tổng thống Lybia Muammar Gaddafi và đã được thảo luận từ nhiều năm trước nhưng chưa đạt kết quả gì. Một số quốc gia, trong đó có Nam Phi, được xem là nước có sức mạnh kinh tế nhất khu vực, đã coi đây là ý tưởng xa vời, phi thực tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực như Sudan, Zimbabwe, Madagascar, Guinea, CHDC Congo, Somalia... đang chìm vào các cuộc khủng hoảng chính trị và nền kinh tế khu vực đang trong tình trạng yếu kém. Ông  Jean Ping lo ngại khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ khiến các nước giàu bỏ quên việc hỗ trợ các nước nghèo ở châu Phi và khu vực này sẽ càng ngày càng chìm sâu vào đói nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục