Nguy cơ cúm gia cầm

LHQ cảnh báo về sự trở lại của dịch cúm gia cầm

Mối lo ngại chính hiện nay là chủng vi rút đột biến gen từ H5N1 có khả năng chống vắcxin phòng cúm gia cầm hiện đã xuất hiện.
Ngày 29/08, dựa trên báo cáo theo dõi về "một chủng vi rút đột biến" từ H5N1 đang lây lan tại châu Á, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã khuyến cáo các quốc gia trên thế giới cần theo dõi và cảnh giác đối với sự trở lại của dịch cúm gia cầm.

Theo thông báo của FAO, ca tử vong gần đây nhất vì cúm H5N1 là vào đầu tháng Tám này tại Campuchia. Cũng tại nước này, từ đầu năm tới nay có 8 ca nhiễm virus H5N1 và tất cả đều đã tử vong. FAO cũng cảnh báo các nguy cơ khó lường tới đối với sức khỏe của con người.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi xuất hiện lần đầu năm 2003, dịch cúm gia cầm H5N1 đã khiến 565 người bị lây nhiễm và 331 người tử vong.

Ngoài ra, virus chết người này cũng đã khiến hơn 400 triệu gia cầm bị chết hoặc buộc phải thiêu hủy. Theo ước tính, dịch cúm này gây thiệt hại cho kinh tế thế giới gần 20 tỷ USD trước khi gần như được dập tắt tại 63 quốc gia bị lây nhiễm vào năm 2006.

Tuy nhiên, năm 2008 lại chứng kiến sự mở rộng về mặt địa lý của virus H5N1 lây lan sang gia cầm và các loại chim hoang dã.

Theo Juan Lubroth, bác sỹ thú ý của FAO, trong vòng 24 tháng trở lại đây, H5N1 đã xuất hiện trong gia cầm và các loài chim hoang tại nhiều quốc gia trên thế giới, nơi mà virus H5N1 vốn đã biến mất từ lâu. Các khu vực mới bị ảnh hưởng của virus H5N1 là Israel, Palestine, Bulgaria, Romania, Nepal và Mông Cổ.

Đặc biệt, theo chuyên gia Lubroth, mối lo ngại chính hiện nay là chủng vi rút đột biến gen từ H5N1 có khả năng chống lại tác dụng của vắcxin phòng cúm gia cầm hiện nay đã xuất hiện tại Trung Quốc và Việt Nam. Chủng virus mới này đang đe dọa trực tiếp tới các quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản./.

Đức Hùng/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục