Đắk Lắk giữ nếp nhà dài truyền thống trong phố

Buôn Akô Dhông, Đắk Lắk, vẫn giữ được nếp nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê bên cạnh nhà mái bằng như của người Kinh.
Trong cơn lốc đô thị hóa, ngày càng có nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số bản địa địa ở các buôn làng phá bỏ các ngôi nhà dài truyền thống để làm nhà trệt, nhà mái bằng, cao tầng, biệt thự... như người Kinh.

Thế nhưng, buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, vẫn giữ được nếp nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê bản địa và trở thành buôn văn hoá, một trong những điểm đến, hấp dẫn khách du lịch trong, ngoài nước mỗi khi đến Đắk Lắk.

Buôn Akô Dhông nằm phía Bắc thành phố Buôn Ma Thuột, được thành lập từ năm 1958 do già làng Ama Hrin di cư từ huyện Ma Đ’Rắc đến xây dựng. Những ngày đầu mới thành lập, buôn chỉ có 10 ngôi nhà dài, với 50 người dân chuyển đến an cư trên vùng đất hoang sơ, đầu nguồn nước của Buôn Ma Thuột.

Ngày nay, buôn Akô Dhông có 94 hộ gia đình đồng bào dân tộc Êđê, với 800 khẩu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa nước, cà phê, kinh doanh du lịch. Hiện nay, trên 90% số hộ gia đình đồng bào dân tộc trong buôn có đời sống kinh tế khá, gần 10% trung bình không có gia đình nghèo.

Có "của ăn, của để”, nhất là ở gần ngay trung tâm thành phố, nên ảnh hưởng khá lớn của “cơn lốc” làm nhà bằng bêtông đang ngày càng ồ ạt, dễ làm cho nhà dài truyền thống của đồng bào Êđê đứng trước nguy cơ biến mất.

Già làng Ama Hrin đã bàn với chính quyền địa phương họp dân, thống nhất quy định đồng ý cho dân làm nhà xây theo kiến trúc hiện đại của người Kinh, nhưng phải làm phía sau lưng ngôi nhà dài truyền thống. Ai không nghe buôn làng xử phạt, dỡ bỏ. Từ đó, trong buôn ai cũng chấp hành làm theo.

Già làng Ama Hrin bảo: “Không dễ gì xa rời được những gì đã trở thành máu thịt của dân tộc mình. Nhà dài truyền thống, nguyên gốc chính là máu thịt của dân tộc Êđê mình đó. Chỉ có giữ lại nhà dài thì văn hóa truyền thống của dân tộc mình mới không bị mai một. Có nhà dài thì có ghế Kpan, chiêng  ché. Không gian nhà dài truyền thống không chỉ là không gian sinh hoạt của gia đình mà còn là không gian văn hóa nghi lễ của đồng bào dân tộc Êđê mình.”

Buôn Akô Dhông hiện nay vẫn còn nguyên vẹn 53 ngôi nhà dài truyền thống, đồng bào gìn giữ, phát huy 30 bộ cồng chiêng, 54 khung dệt thổ cẩm. Nhà nào cũng biết làm rượu cần, đan lát các đồ dùng mây tre, nứa, song mây, chế tác các nhạc cụ dân tộc. Buôn còn lưu giữ các nghi lễ truyền thống như cúng nhà mới, đón khách, mừng được mùa, lễ trưởng thành, kết nghĩa anh em.

Đêm đêm, trong các ngôi nhà dài truyền thống, bên bếp lửa bập bùng, các chàng trai, cô gái Êđê da nâu, mắt sáng múa, hát , đánh chiêng với các làn điệu dân ca , dân vũ của của đồng bào để đón mừng khách phương xa về sum họp với buôn làng...

Kiến trúc nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Êđê được làm bằng gỗ, mái lợp tranh, hoặc tôn , thường cao hơn mặt đất từ 3 đến 5m (để đề phòng lũ lụt, chống thú dữ). Cầu thang lên xuống có 7 bậc, phía trên giáp với sàn nhà được chạm khắc hình bầu vú của người phụ nữ.

Tất cả trang trí trong nhà, cửa đều thể hiện vai trò, quyền lực của mẫu hệ. Không gian trong nhà dài có hai phần: Gian (gar) tức là gian khách dùng để sinh hoạt chung của gia đình, đón khách. Gian (ôk) gồm các buồng riêng của từng cặp vợ chồng, con cái. Các gian đều có bếp riêng, do người phụ nữ quản lý.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục