Sản lượng lúa Hè Thu ĐBSCL dự kiến đạt 9,3 triệu tấn

Sản lượng lúa Hè-Thu vùng ĐBSCL dự kiến đạt 9,3 triệu tấn lúa với sản lượng gạo đạt hơn 4,6 triệu tấn và gạo hàng hóa hơn 3,1 triệu tấn.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hội nghị “Mua tạm trữ lúa gạo vụ Hè-Thu năm 2013 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long,” diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào ngày 23/5, sản lượng lúa Hè-Thu ở Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 9,3 triệu tấn.

Dự kiến vụ Hè-Thu năm 2013, toàn vùng Nam Bộ sẽ gieo sạ hơn 1,8ha lúa Hè-Thu (giảm hơn 6.400ha). Tiến độ gieo trồng tính đến hết ngày 8/5/2013 là hơn 1,1 triệu ha, chiếm 62,15% kế hoạch, diện tích còn lại chưa gieo sạ là gần 692.000 ha, đang tiếp tục xuống giống. Như vậy, tổng sản lượng lúa Hè-Thu vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt 9,3 triệu tấn lúa, sản lượng gạo đạt hơn 4,6 triệu tấn và gạo hàng hóa đạt hơn 3,1 triệu tấn sẽ được thu hoạch rộ vào tháng Bảy và tháng Tám.

Cùng với vụ thu đông sắp tới, kế hoạch gieo cấy của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt khoảng 700.000ha (giảm gần 24.000ha), năng suất bình quân đạt 49 tạ/ha (giảm 0,06 tạ/ha) và sản lượng đạt hơn 3,4 triệu tấn lúa và 641.000 tấn gạo hàng hóa…

Để đảm bảo ổn định giá lúa gạo hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng sụt giảm giá sâu đặc biệt và thời điểm thu hoạch rộ, nhằm đảm bảo lợi nhuận tối thiểu cho nông dân (có lãi ít nhất 30% so với giá thành công bố của Bộ Tài chính); Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng kế hoạch tạm trữ lúa gạo vụ Hè-Thu 2013 trình Thủ tướng đề nghị cho mua tạm trữ vụ hè thu khoảng 1 triệu tấn quy gạo (chiếm 30% sản lượng lúa hè thu 2013).

Thời gian thu mua tạm trữ trong vòng 60 ngày (từ ngày 15/6-15/8/2013); thực hiện theo quy chế tạm trữ lúa gạo thường xuyên do Chính phủ ban hành. Trong trường hợp quy chế tạm trữ lúa gạo chưa được Chính phủ phê duyệt, việc triển khai tạm trữ lúa gạo vụ Hè-Thu 2013 tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được thực hiện theo cơ chế như vụ Đông-Xuân 2012-2013.

Về tình hình xuất khẩu, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến hết ngày 16/5/2013 đạt gần 2,4 triệu tấn, tăng 11,5% về lượng và 4,85% về giá trị.

Hợp đồng xuất khẩu gạo đã đăng ký đến hết ngày 16/5/2013 là 4,420 triệu tấn, trong đó lượng gạo xuất khẩu đã giao gần 2,4 triệu tấn, hợp đồng còn lại chưa giao hàng khoảng 2 triệu tấn…

Trong khi đó, lượng gạo hàng hóa trong nước cần tiêu thụ năm 2013 đang ở mức cao dự báo khoảng 8 triệu tấn, chưa kể lượng gạo tồn kho năm 2012 là hơn 787.000 tấn…

Thực tế hiện nay, khi giá gạo có chiều hướng cạnh tranh gay gắt đối với loại gạo phẩm cấp trung bình và cấp thấp, các nước nhập khẩu và các nhà nhập khẩu thay vì mua trữ như trước thì nay chuyển sang mua vừa đủ theo nhu cầu tiêu dùng; gạo thay vì được trữ tại thời điểm nhập khẩu nay được trữ lại ở thời điểm xuất khẩu.

Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với tổng sản lượng lúa cả năm 2013 dự kiến đạt gần 4,4 triệu tấn, sau khi trừ đi tiêu dùng nội địa, dự kiến lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn (chưa kể lượng tồn kho của năm 2012 chuyển qua).

Dự kiến từ nay đến cuối năm, nguồn cung gạo hàng hóa bao gồm lượng lúa gạo hàng hóa vụ Hè-Thu, Thu-Đông năm 2013 (sau khi trừ đi tiêu dùng nội địa), cộng với lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp, là khoảng 5,6 triệu tấn quy gạo.

Theo tính toán, nếu trừ đi lượng hợp đồng đã đăng ký chưa giao hàng là khoảng 2 triệu tấn, thì lượng gạo hàng hóa cần tiếp tục tiêu thụ từ nay cho đến cuối năm là gần 3,6 triệu tấn.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường gạo thế giới năm 2013 tiếp tục diễn biến bất lợi cho gạo Việt Nam, do nhu cầu nhập khẩu của một số quốc gia châu Á được dự báo giảm; cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng gay gắt và có nhiều đối thủ mới như Ấn Độ, Myanma… /.

Thanh Sang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục