Chính phủ Mỹ thoát khỏi nguy cơ ngừng hoạt động

Các nhà đàm phán của Hạ viện đã nhất trí tiến hành một cuộc bỏ phiếu về dự luật trị giá 1.000 tỷ USD để cấp tiền cho Chính phủ.
Tối 15/12, các nghị sĩ Mỹ đã đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn khả năng Chính phủ nước này phải ngừng hoạt động - điều có thể tiếp tục hủy hoại niềm tin của công chúng đối với các nhà lãnh đạo Mỹ.

Theo các nguồn tin từ Quốc hội Mỹ, các nhà đàm phán của Hạ viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số và Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã nhất trí tiến hành một cuộc bỏ phiếu trong ngày 16/12 về dự luật trị giá 1.000 tỷ USD để cấp tiền cho Chính phủ trong tài khóa 2012.

Trong khi đó, các nhà đám phán về dự luật cắt giảm thuế thu nhập và mở rộng phúc lợi thất nghiệp vẫn đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận về một giải pháp trong thời hạn một năm.

Trước đó, các quan chức Nhà Trắng và nghị sĩ Mỹ phải chạy đua với thời gian để hoàn tất các cuộc bàn thảo về vấn đề ngân sách trước kỳ nghỉ Giáng sinh sắp tới.

Nếu thế bế tắc không được tháo gỡ, Chính phủ Mỹ lại đối mặt với nguy cơ tạm ngừng hoạt động vì thiếu kinh phí, điều có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của chính quyền trong con mắt người dân.

Trong buổi làm việc với các nhà lãnh đạo hai viện Quốc hội Mỹ ngày 15/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ không có lý do gì để chính phủ phải tạm đóng cửa và yêu cầu các nghị sĩ thông qua đề nghị của ông về việc gia hạn luật cắt giảm thuế và đảm bảo trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc làm.

Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Cộng hòa John Boehner, nhất trí cho rằng chính phủ tạm ngừng hoạt động vào lúc này là không cần thiết. Ông nhấn mạnh các bên cần có những động thái cụ thể để thu hẹp bất đồng tiến tới một giải pháp cùng chấp nhận được.

Hiện chính quyền Dân chủ của Tổng thống Obama và các nghị sĩ Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đang bất đồng về một chương trình của chính phủ cắt giảm 1.500 USD thuế thu nhập cho khoảng 160 triệu người lao động của Mỹ và kế hoạch hợp tác với Canada xây dựng một đường ống dẫn dầu.

Tổng thống Obama muốn Quốc hội nhanh chóng phê chuẩn chương trình hỗ trợ người lao động nói trên, trong khi phe Cộng hòa lại muốn Nhà Trắng trì hoãn kế hoạch hợp tác năng lượng với Ottawa. Những bất đồng này đã dẫn tới việc dự luật trị giá 1.000 tỷ USD chi cho hoạt động của chính phủ trong tài khóa 2012 bị treo, mà lẽ ra phải được thông qua vào ngày 16/12- thời điểm luật chi tiêu tạm thời hiện nay hết hiệu lực.

Nhà Trắng tuyên bố vẫn còn tồn tại một số rào cản để dự luật chi tiêu này được thông qua đúng thời hạn. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Hari Rết (Harry Reid) cho rằng những rào cản này sẽ được dỡ bỏ vào những phút chót.

Mâu thuẫn giữa các chính khách đảng Dân chủ và Cộng hòa về chi tiêu của chính phủ không phải là điều mới mẻ. Trước đó, hai bên đã có nhiều cuộc tranh cãi quyết liệt về vấn đề này, khiến Chính phủ Mỹ nhiều lần bị đe dọa ngừng hoạt động do không có kinh phí. Tới nay, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua dự luật cấp tiền cho chính phủ hoạt động trong tài khóa 2012, bắt đầu từ tháng Mười vừa qua, và các cơ quan liên bang đã phải hoạt động nhờ một loạt luật chi tiêu ngắn hạn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Quốc hội Mỹ và đại bộ phận cử tri Mỹ ở thời điểm hiện tại đang rất thất vọng với những người mà họ đã tin tưởng bầu chọn làm đại diện cho quyền lợi của mình.

Kết quả thăm dò dư luận của tổ chức Gallup Poll mới công bố cho thấy có tới 76% cho rằng hầu hết các nghị sỹ đương nhiệm không xứng đáng được bầu lại. Đây là tỷ lệ thất vọng cao nhất của cử tri đối với các nghị sỹ Mỹ trong vòng 19 năm qua. Báo "Bưu điện Washington" số ra ngày 6/12 vừa qua cũng cho biết đại bộ phận cử tri nhìn nhận 2011 là năm hoạt động không mấy thành công của Quốc hội Mỹ, cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Theo họ, một nguyên nhân khiến Quốc hội Mỹ trong năm 2011 hoạt động kém hiệu quả là do họ tốn quá nhiều thời gian vào các cuộc cãi vã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục