CK thế giới “đỏ sàn” do tín hiệu xấu từ kinh tế Mỹ

Chia tay với “sắc xanh” của phiên trước, hầu hết các chỉ số chứng khoán đều quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 28/3.
Chia tay với “sắc xanh” của phiên trước, hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á đều quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 28/3, do diến biến của các thị trường chứng khoán hai bờ Đại Tây Dương trong ngày giao dịch 27/3.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 72,58 điểm, tương đương 0,71%, xuống còn 10.182,57 điểm. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm nhẹ 8,02 điểm (0,39%), chốt ở mức 2.031,74 điểm. Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đều khép lại phiên với “sắc đỏ.”

Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt giảm 62,3 điểm (2,65%) và 161,49 điểm (0,77%), đóng cửa ở mức 2.284,88 điểm và 20.885,42 điểm.

Chứng khoán thế giới liên tục khởi sắc trong hai tháng đầu tiên của năm nay, nhờ các dấu hiệu tích cực của kinh tế Mỹ, cũng như sự lắng dịu phần nào về nỗi lo nợ công tại châu Âu. Tuy nhiên, một chuỗi các số liệu đáng thất vọng từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sự phục hồi vẫn còn khá mong manh của kinh tế Mỹ đã khiến thị trường trở nên kém sôi động.

Đêm 27/3, sau khi ghi nhận một phiên tăng điểm mạnh vào ngày 26/3 nhờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke, Phố Wall lại quay đầu “lao dốc” do hoạt động bán tháo chốt lời của giới đầu tư diễn ra ồ ạt, cũng như sự sụt giảm của chỉ số lòng tin tiêu dùng tại Mỹ.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 43,90 điểm, tương đương 0,33%, đóng cửa ở mức 13.197,73 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 19,40 điểm (1,39%), xuống 1.416,51 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 2,22 điểm (0,07%), xuống còn 3.120,35 điểm.

Ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đi ngang trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch trước khi rút về giảm nhẹ vào cuối phiên, khi thị trường đang dần thiếu đi những động lực chính để có thể tiếp tục duy trì đà tăng mạnh liên tiếp trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, việc chỉ số lòng tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng Ba này đã giảm xuống còn 70,2, so với mức tương ứng của tháng trước là 71,6; trong khi báo cáo mới đây của S&P-Case Shiller cho hay giá nhà ở tại nước này trong tháng Một năm nay tiếp tục sụt giảm, cũng là những nhân tố phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán Mỹ.

Trang mạng Briefing.com nhận định rằng các số liệu đáng thất vọng trên làm gia tăng mối lo ngại tốc độ phục hồi nền kinh tế số một thế giới có nguy cơ chậm lại trong thời gian tới. Đây cũng có thế là hậu quả của những đồn đoán gần đây rằng giá xăng sẽ tăng lên 5 USD/gallon trong mùa Hè năm nay.

Theo chân Mỹ, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đều khép lại phiên giao dịch 27/3 trong “sắc đỏ,” do sự xuất hiện của thông tin cho hay lượng dự trữ dầu mỏ của thế giới đang có xu hướng giảm, sau khi tập đoàn dầu khí Total (Pháp) vừa tuyên bố rằng để khống chế vụ rò rỉ khí đốt tại giàn khoan Elgin Franklin, hiện đang do tập đoàn vận hành, nằm ngoài khơi Biển Bắc, cần phải mất ít nhất là 6 tháng. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm dự trữ dầu thô của thế giới.

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,56%, xuống 5.869,55 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ 0,92%, còn 3.469,59 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng giảm không đáng kể so với phiên giao dịch trước và chốt ở mức 7.078,90 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục