Thái Lan hoãn tạm tha lãnh đạo nòng cốt của UDD

Tòa án Hình sự Thái Lan đã lùi thời hạn ra quyết định tạm tha lãnh đạo nòng cốt của Liên minh thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD).
Ngày 28/7, Tòa án Hình sự Thái Lan đã lùi thời hạn ra quyết định tạm tha lãnh đạo nòng cốt của Liên minh thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) Veera Musigapong.

Quyết định trên được công bố sau khi luật sư của ông Veera và Cục Điều tra đặc biệt (DSI) thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan chưa đưa được các nhân chứng ra trình diện trước tòa.

Theo mạng Bưu điện Bangkok (The Bangkok Post), DSI yêu cầu tòa bác bỏ kháng cáo, lập luận rằng nếu được tha, ông Veera có thể tác động đến bằng chứng hoặc bỏ trốn.

Ông Veera Musigapong bị cáo buộc tội danh khủng bố theo Khoản 1-3 Điều 135 Bộ luật Hình sự liên quan đến các vụ bạo lực từ tháng Tư đến tháng 5/2010 trong cuộc biểu tình chống chính quyền của phe "áo đỏ."

Cùng ngày, các đối tượng tình nghi của Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) đã thông qua các luật sư gửi đề nghị trì hoãn thời điểm ra trình diện cơ quan chức năng với cáo buộc liên quan đến vụ phong tỏa sân bay hồi cuối năm 2008.

Theo nguồn tin địa phương, ba nghi can đầu tiên của PAD đã nhận được yêu cầu phải trình diện tại Cơ quan Trấn áp tội phạm (CSD) trong ngày 28/7. Tuy nhiên, các luật sư cho biết thân chủ của họ chưa sẵn sàng và đề nghị lùi thời điểm trình diện sang ngày 26/8.

Hãng Thông tấn Thái Lan (TNA) cho biết PAD, hay còn gọi là phe "áo vàng," là một trong những tổ chức chính trị năng động của Thái Lan. Những người "áo vàng" đã phong tỏa Sân bay Don Mueang và Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi ở huyện Bang Phli, tỉnh Samut Prakan, gần thủ đô Bangkok từ ngày 25/11đến ngày 4/12/2008 nhằm gây áp lực buộc chính quyền của Thủ tướng khi đó là Somchai Wongsawat phải giải tán.

Trong một động thái khác, nội các Thái Lan ngày 28/7 nhất trí trao toàn quyền cho Thủ tướng Abhisit Vejajiva trong việc quyết định dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, hiện đang có hiệu lực ở Bangkok và 15 tỉnh khác.

Sau phiên họp nội các diễn ra hàng tuần, phó phát ngôn viên Chính phủ Supachai Jaisamut cho biết tuy được trao quyền, nhưng quyết định của Thủ tướng Abhisit vẫn phải được chính phủ thông qua theo đúng quy định của luật pháp.

Theo ông Supachai, vấn đề thời gian và địa điểm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp không được đề cập đến trong phiên thảo luận này mà sẽ được bàn đến trong cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) cùng ngày sau đó.

Trước đó, ngày 27/7, Thủ tướng Abhisit cho biết lệnh trên sẽ vẫn được duy trì ở Bangkok sau khi một quả bom phát nổ tối 25/7 làm một người chết và chín người bị thương. Tuy nhiên, ông khẳng định sắc lệnh an ninh đặc biệt sẽ dần được dỡ bỏ tại các tỉnh khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục