Chưa thống nhất tăng mức phạt vi phạm giao thông

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tăng gấp đôi mức xử phạt vi phạm giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh so với các địa phương khác.
Trong dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trình Chính phủ vào chiều 20/8, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt vi phạm giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh so với các địa phương khác.

Trước đó, khi bị Bộ Tư pháp phản bác, Bộ Giao thông Vận tải đã rút đề xuất này khỏi dự thảo.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, thực tiễn thời gian qua, công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khó khăn và phức tạp hơn so với các địa phương khác.

Tại hai thành phố này, mật độ dân cư lớn, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ cao, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nên tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông gia tăng. Vì vậy ở hai thành phố này, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cần phải có chế tài xử phạt cao hơn so với mức quy định chung để bảo đảm tính răn đe.

Trên phương diện quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Ban soạn thảo đồng tình với đề nghị này. Tuy nhiên, căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì nội dung đề nghị “trên địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng mức phạt tiền cao hơn mức quy định chung đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ” chưa đủ cơ sở để đưa vào Dự thảo Nghị định.

Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị chưa quy định vấn đề này trong Dự thảo Nghị định; đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội “cho phép Chính phủ thực hiện thí điểm việc áp dụng mức phạt tiền cao hơn mức quy định chung đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”.

Trước đó, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ phản đối đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải vì theo Bộ Tư pháp thì điều 52 Hiến pháp năm 1992 quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên người có hành vi vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng, đều phải bình đẳng.

Nguyên tắc bình đẳng này đòi hỏi cơ chế áp dụng pháp luật thống nhất trên toàn quốc, tránh việc cùng một hành vi vi phạm nhưng chủ thể thực hiện ở mỗi nơi lại bị áp dụng quy định xử phạt khác nhau.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng việc phân biệt mức xử phạt khác nhau nói trên không phù hợp với điều kiện kinh tế của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vì ở hai địa phương này vẫn còn số lượng khá lớn người có thu nhập thấp, thậm chí thuộc diện nghèo.

Ngoài ra, hai đô thị lớn nhất cả nước này có số lượng người ngoại tỉnh tham gia giao thông rất lớn nên mức phạt cao, nếu áp dụng sẽ vô tình làm cho những đối tượng không phải là công dân của hai thành phố này cũng phải chịu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục