Boeing đề xuất chế tạo tên lửa đánh chặn di động

Tập đoàn Boeing ngày 19/8 đã đề xuất ý tưởng chế tạo tên lửa đánh chặn cơ động nhằm giải tỏa lo ngại của Nga về chương trình NMD của Mỹ.
Tập đoàn Boeing ngày 19/8 đã đề xuất một ý tưởng bất ngờ - chế tạo tên lửa đánh chặn cơ động trong nỗ lực giải tỏa những lo ngại của Nga về kế hoạch của Mỹ triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) ở Đông Âu.

Phát biểu tại hội nghị phòng thủ tên lửa do Lục quân Mỹ tổ chức ở Huntsville, bang Alabama, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc phụ trách nghiên cứu vấn đề phòng thủ tên lửa của tập đoàn Boeing, ông Greg Hyslop nhấn mạnh trong trường hợp việc xây dựng một cơ sở phòng thủ tên lửa cố định gặp phức tạp vì lý do chính trị, thì việc thiết lập một hệ thống phòng thủ di động hoàn toàn có thể là giải pháp cần được tính đến.

Ông Hyslop cho biết Boeing đã gửi đề xuất này đến Lầu Năm Góc và giới thiệu mô hình thu nhỏ một tên lửa đánh chặn hai tầng, được thiết kế để triển khai trong vòng 24 giờ tới địa điểm phóng mong muốn trên phạm vi toàn cầu, kể cả ở Mỹ hoặc châu Âu.

Theo ông, nếu được chập thuận, dự án này có thể hoàn thành vào năm 2015 với chi phí có thể thấp hơn chi phí cho kế hoạch triển khai NMD ở châu Âu.

Ngoài kế hoạch trên, Boeing cũng đang nghiên cứu kế hoạch chế tạo một tên lửa đánh chặn nặng gần 2.200kg, có thể được chuyển tới các căn cứ của NATO khi cần thiết bằng máy bay vận tải C-17 (cũng do Boeing chế tạo) và có thể dễ dàng được vận hành trên một bệ phóng cơ động, sau đó lại được đưa về căn cứ khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Ý tưởng trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc việc có hay không tiếp tục kế hoạch triển khai 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và một hệ thống rada đặt tại Cộng hòa Czech, đã được chính quyền tiền nhiệm theo đuổi nhiều năm qua.

Boeing không phải là nhà thầu Mỹ đầu tiên chuẩn bị cho khả năng Washington từ bỏ kế hoạch nói trên. Trước đó, hãng Raytheon cho biết họ đang phát triển phiên bản trên đất liền của tên lửa Standard Missile-3 (SM-3) hiện hành, "ngôi sao" trong hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển của Mỹ, để bảo vệ Châu Âu./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục