Ứng phó với nước mặn và khô hạn đang gay gắt

Hiện gió Đông Nam đang đẩy nước mặn với độ mặn cao hơn so với cùng kỳ năm 2009, theo các cửa sông, xâm nhập sâu vào nội địa ĐBSCL.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện gió Đông Nam (gió chướng) đang đẩy nước mặn với độ mặn cao hơn so với cùng kỳ năm 2009, theo các cửa sông, xâm nhập sâu vào nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khó khăn do hạn, mặn gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương chuẩn bị vật tư, nhân lực, nguồn tài chính hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Biện pháp giúp dân vùng thiếu nước ngọt có đủ nước ngọt sử dụng, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thủy văn đang ngày càng khắc nghiệt hiện nay cần được tiến hành trước tiên.

Từ nay đến cuối tháng Ba, tại hầu hết các sông chính ở Đồng bằng sông Cửu Long như Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Định An, Trần Đề, Ông Đốc và sông Cái Lớn, nước mặn có độ mặn cao hơn so với trung bình nhiều năm tiếp tục xâm nhập sâu vào các ngày triều cường.

Độ mặn 1%o hiện đã vào sâu khoảng 50-60km và độ mặn 4%o (gây hại cây trồng) đã xâm nhập sâu từ 30-40km so với cửa sông.

Các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nhiều nhất là Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Một số địa phương không thuộc khu vực ven biển cũng bị nước mặn xâm nhập gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước cao nhất trong tháng Ba trên sông Tiền trong những ngày triều cường chỉ tương đương mức trung bình nhiều năm (cùng kỳ); trong khi đó, mực nước thấp nhất trong những ngày nước triều thấp đều dưới mức trung bình nhiều năm từ 0,35-0,43m.

Dự báo, sắp tới lượng mưa ở Nam Bộ thấp hơn từ 20-50% so với lượng mưa trung bình nhiều năm, ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Nước mặn và nắng hạn đang làm cho 220.000ha lúa Đông Xuân, Xuân Hè tại Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước tưới, giảm năng suất.

Ở Cà Mau, toàn bộ diện tích rừng tràm bị khô kiệt; có hơn 36.000ha rừng đang ở mức dự báo cháy cấp 4, 5 và có thể không có nước để chữa cháy rừng nếu nắng hạn kéo dài liên tục.

Khô hạn và xâm nhập mặn không chỉ đe dọa sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn.

Tại nhiều địa phương, người dân phải mua nước sinh hoạt từ 10.000 đồng/m3 trở lên hay phải đi lấy nước xa nhà nhiều cây số./.

Thế Đạt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục