2.310 tỷ đồng nâng cấp hệ thống đê tại ĐBSCL

Qui hoạch nâng cấp đê biển, đê cửa sông vùng ĐBSCL để đối phó với nước biển dâng, có tổng vốn đầu tư khi xây dựng là 2.310 tỷ đồng.
Viện Qui hoạch Thủy lợi miền Nam vừa hoàn thành qui hoạch việc nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm chủ động đối phó với tình trạng nước biển dâng trong quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, với tổng vốn đầu tư khi xây dựng là 2.310 tỷ đồng, trong đó đê biển hơn 1.420 tỷ đồng.

Qui hoạch này, ngoài mục đích hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra còn nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, bảo vệ sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Quy hoạch, có gần 620km đê biển và hơn 740km đê cửa sông ở đây sẽ được nâng cấp hoặc xây dựng mới theo qui cách như chiều rộng đê 6m để kết hợp làm đường giao thông, lưu không ở phía đồng là 10m và phía biển là 50m; bên ngoài đê là rừng phòng hộ để bảo vệ và giảm sóng. Còn chiều dài đê cửa sông là 30km cho sông lớn và từ 10-15km cho các sông nhỏ.

Các công trình ở dưới đê sẽ vừa bảo đảm phòng chống thiên tai, vừa bảo đảm kiểm soát mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn, thoát lũ, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy và các nhu cầu khác.

Theo dự báo, đến cuối thế kỷ này, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng cao sẽ làm từ 15.000 - 20.000km2 tại Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, trong đó có 9/13 tỉnh bị ngập gần như hoàn toàn làm cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn lớn.

Trong khi đó, độ cao, sức chịu đựng của hệ thống tuyến đê biển hiện có tại Đồng bằng sông Cửu Long, nằm dọc và cách bờ biển 200-500m đối với tuyến biển Tây, 500-2.000m đối với các tuyến biển Đông, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn nước biển dâng và sức tàn phá của sóng biển với cường độ mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục