Củng cố, phát triển hệ thống bưu điện văn hóa xã

Dự thảo Luật Bưu chính gồm 10 chương, 46 Ðiều, quy định về hoạt động bưu chính, bao gồm cung ứng dịch vụ bưu chính.
Sáng nay 11/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, cho ý kiến vào dự án Luật Bưu chính.

Dự thảo Luật Bưu chính gồm 10 chương, 46 Ðiều, quy định về hoạt động bưu chính, bao gồm cung ứng dịch vụ bưu chính, thực hiện dịch vụ bưu chính công ích, quản lý bưu chính, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, người sử dụng dịch vụ bưu chính tại Việt Nam.

Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Bưu chính phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế làm cơ sở pháp lý hoạt động bưu chính, là yêu cầu khách quan nhằm tăng cường, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bưu chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn chưa thống nhất trong dự luật như chỉnh sửa câu chữ, tách nhập các điều khoản; các quy định liên quan đến dịch vụ bưu chính công ích; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; vấn đề khiếu nại, bồi thường thiệt hại...

Đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắk Nông), Trần Tiến Cảnh (Hà Nam), Trần Thị Lộc (Bắc Cạn) đưa ra ý kiến cho rằng các điểm bưu điện văn hóa xã đã hoạt động hơn 10 năm nay, tuy còn một số nơi đạt hiệu quả chưa cao, nhưng đã thể hiện những tích cực của loại hình này, vì thế cần có những chế định trong luật để củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng các điểm bưu điện văn hóa xã.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cần nghiên cúu kỹ về tính đồng bộ, hợp lý của Luật. Một số quy định trong dự luật không phù hợp với thực tế, thiếu sự đồng bộ với phát luật và sự phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng liên quan. Cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bưu chính, để giảm bớt gánh nặng đầu tư của Nhà nước với các hệ thống bưu chính.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thụ hưởng các ưu điểm của dịch vụ bưu chính. Dự luật cần có những quy định khuyến khích và phát triển hệ thống dịch vụ bưu chính tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị xem lại Chương 8 quy định về vấn giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại, vì các điều, khoản của chương này không rõ ràng, không thống nhất.

Các đại biểu cho rằng, bản chất hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính giữa người cung cấp và người sử dụng là một hợp đồng dân sự về cung ứng dịch vụ vì thế hai bên hoàn toàn bình đẳng về tư cách pháp lý. Mọi vấn đề phát sinh là phải được coi là tranh chấp không phải là khiếu nại. Doanh nghiệp không thể được quyền quy định về thủ tục, mức đền bù cho thiệt hại do chính mình gây ra. Vì thế, cần xây dựng lại chương 8 theo hướng tranh chấp hợp đồng dân sự và tuân theo các quy định pháp luật dân sự.

Theo đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam), thời gian tối đa về giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ bưu chính quy định trong luật là quá dài nên cần được rút ngắn lại cho phù hợp với chủ trương cải cách hành chính.

Đại biểu Tạ Văn Tấn (Thái Bình), Nguyễn Việt Dũng, Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cùng cho rằng, hoạt động dịch vụ bưu chính mang tính đặc thù cao. Tại các khu vực nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa do điều kiện kinh doanh khó khăn khó thu hút doanh nghiệp đầu tư hoạt động. Vì thế, việc quy định Chính phủ chỉ định một công ty đảm nhận hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính công là cần thiết./.


Tuy nhiên, vẫn còn một số đại biểu chưa thống nhất về quy định Chính phủ chỉ định một công ty đảm nhận hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính công, vì lo ngại ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính.

Bên cạnh đó, một số đại biểu có ý kiến xung quanh vấn đề bảo mật thư tín; đề nghị bổ sung quy định hoạt động lưu giữ các sản phẩm liên quan đến tem; mở rộng quyền thiết kế và bảo vệ quyền tác giả tem vì tem còn là một sản phẩm văn hóa; tính toán lại giá tem cho phù hợp với giá cả thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục