Trẻ em đối thoại với lãnh đạo một số bộ, ngành

Hơn 180 trẻ em dự diễn đàn đã đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành về những vấn đề về quyền lợi trẻ em.
Trong khuôn khổ Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2011, ngày 10/8, hơn 180 trẻ em tham gia diễn đàn đã được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể về những vấn đề liên quan đến quyền lợi trẻ em.

Tham dự Diễn đàn và đối thoại cùng các em có ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam....

Với tổng số 28 lượt ý kiến phát biểu của các em thiếu nhi cùng 8 lượt ý kiến trả lời của đại diện các bộ, ngành, đoàn thể, những băn khoăn, vướng mắc của trẻ em liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, bạo lực gia đình, lao động trẻ em, sân chơi cho thiếu nhi, xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, tai nạn thương tích trẻ em... đa phần đã được giải đáp.

Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục từng bước được tăng cường; việc xây dựng trường học an toàn, thân thiện với trẻ em ngày càng được mở rộng. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống trong các gia đình nghèo đi học.

Đối với việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, các mô hình phòng ngừa, can thiệp, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị tổn hại đã được triển khai. Nhiều trường hợp vi phạm quyền trẻ em đã được phát hiện, can thiệp, xử lý và hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó, trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi giải trí và bảo vệ ngày càng tốt hơn.

Kết thúc phiên đối thoại, các em đã đưa ra 7 thông điệp và 6 khuyến nghị, chuyển tới các bộ, ban, ngành chức năng. Theo đó, các em đề xuất cần có quy định và tạo cơ hội cho trẻ em tham gia, giám sát thực hiện quyền tham gia của trẻ em như các bạn ở một số nước trên thế giới; cần đầu tư, xây dựng các điểm văn hóa, vui chơi giải trí phù hợp cho thiếu nhi, ưu tiên ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, ưu tiên ngân sách đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhiều hơn những năm trước để cuộc sống của trẻ được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn. Các em cũng cho rằng, mỗi xã, phường cần có một cán bộ và mỗi cụm dân cư cần có một cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và có kỹ năng làm việc với trẻ em để kịp thời bảo vệ trẻ em cũng như gần gũi, lắng nghe và hiểu được mong muốn, nguyện vọng của trẻ.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tiếp thu những ý kiến đề xuất của trẻ em tại Diễn đàn và khẳng định rằng Ủy ban sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong các lĩnh vực liên quan đến trẻ em; đồng thời, phối hợp giám sát việc giải quyết các kiến nghị của các em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần này của các bộ ngành liên quan.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em, thực hiện vai trò là đầu mối, tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền các địa phương lắng nghe và giải quyết kịp thời, thấu đáo những kiến nghị của trẻ em tại diễn đàn các cấp; triển khai các chương trình, đề án, dự án và tổ chức các hoạt động cụ thể để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục