UNESCAP kêu gọi quốc tế quan tâm người tàn tật

Hội nghị LHQ khẳng định để đạt được các MDG, người tàn tật phải được đưa vào trung tâm của các chương trình phát triển quốc tế.
Hội nghị Liên hợp quốc về người tàn tật và hiệu quả viện trợ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) đã khẳng định để đạt được các MDG, người tàn tật phải được đưa vào trung tâm của các chương trình phát triển quốc tế.

Kết thúc 3 ngày thảo luận do Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) chủ trì tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, ngày 193, Hội nghị cũng khẳng định các đối tác phát triển cần chú trọng tới đối tượng này trong các chính sách và chương trình ở châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc phụ trách các vấn đề xã hội của UNESCAP Nanda Krairiksh, cảnh báo cho đến nay các vấn đề liên quan người tàn tật vẫn chưa được nêu ra trong các chương trình phát triển quốc tế cũng như tiến trình thực hiện các MDG.

Quan chức này nhấn mạnh việc tạo được chuyển biến quan trọng trong cuộc sống của 650 triệu người tàn tật ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ đưa khu vực tiến gần hơn đến các MDG. Cộng đồng quốc tế cần tạo các cơ hội đặc biệt để người tàn tật cải thiện cuộc sống và hướng tới tương lai vì ở hầu hết các nước, tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người tàn tật cao hơn bất cứ một cộng đồng nào khác. Trong 67 triệu trẻ em khu vực châu Á-Thái Bình Dương không được đến trường, có khoảng 30% là những em khuyết tật.

UNESCAP nhấn mạnh Hội nghị Bangkok cần thúc đẩy mục tiêu đưa vấn đề người tàn tật vào trung tâm phát triển quốc tế, đặc biệt thúc đẩy chiến lược châu Á-Thái Bình Dương mới nhằm hỗ trợ một thập kỷ mới (2013-2022) về người tàn tật, cũng như khuôn khổ phát triển mới sau năm 2015 thúc đẩy các quyền của người tàn tật nhằm hướng tới một mô hình phát triển phổ quát hơn.

UNESCAP sẽ hỗ trợ các nước trong khu vực chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị cấp cao liên chính phủ và phát động “Thập kỷ vì người tàn tật châu Á-Thái Bình Dương” tại thành phố Incheon của Hàn Quốc vào cuối năm nay, trong đó người tàn tật và các tổ chức của họ phải được tham gia đầy đủ vào tiến trình hoạch định, thiết kế và thực hiện các mục tiêu phát triển về giảm đói nghèo, giáo dục, y tế, công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế chống thảm họa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục