ECB kêu gọi một "hiệp ước tăng trưởng" ở Eurozone

Lời kêu gọi của Chủ tịch ECB về 1 "hiệp ước tăng trưởng" ở Eurozone thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Pháp.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu ngày 25/4, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã kêu gọi về một "hiệp ước tăng trưởng" ở khu vực đồng euro (Eurozone), khi những biện pháp hỗ trợ gần đây của ngân hàng này đã không có những tác động nhanh chóng đối với kinh tế khu vực như kỳ vọng ban đầu.

Kêu gọi của ông Draghi lập tức đã thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, khi kinh tế là yếu tố mang tính quyết định trong cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này.

Ứng cử viên đang giành ưu thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp Francois Hollande là người muốn thương lượng lại để đưa vào hiệp ước tài chính của châu Âu các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ quan điểm của ông Draghi, khi cho rằng để có thể tự cứu mình ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, châu Âu không chỉ cần củng cố tình hình tài chính mà còn cần phải thúc đẩy tăng trưởng.

Bà nói châu Âu cần thúc đẩy tăng trưởng thông qua các cải cách cơ cấu chứ không phải bằng các chương trình kích thích, bởi điều này sẽ làm gia tăng nợ nần.

Kêu gọi của ông Draghi được đưa ra vào lúc ngày càng nhiều nước Eurozone bắt đầu do dự trước các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các chính phủ đã thông báo nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách như một phần của hiệp ước tài chính được nhất trí gần đây.

Tuy nhiên, người phát ngôn của ECB cho rằng không nên coi phát biểu của ông Draghi là một sự thay đổi chính sách.

Ông Draghi nói việc củng cố nền tảng tài chính là điều không thể tránh nếu các nước muốn lấy lại niềm tin của thị trường, mặc dù các biện pháp khắc khổ sẽ có những tác động ngắn hạn đối với tăng trưởng.

Trong khi đó, những cải cách về cơ cấu là cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, song sẽ đòi hỏi những cái giá nhất định phải trả.

Về những hoạt động hỗ trợ của ECB trong những tháng gần đây, ông Draghi cho rằng các nguồn vốn lãi suất thấp mà ECB đã bơm vào hệ thống ngân hàng đã không mang lại những tác động nhanh chóng đối với kinh tế khu vực.

Trong hai đợt tái cấp vốn dài hạn vào tháng 12/2011 và tháng 2/2012, ECB đã bơm hơn 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD) để các ngân hàng có thể cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, những số liệu đã được công bố cho thấy hoạt động cho vay vẫn thấp và thậm chí các ngân hàng có xu hướng gửi số tiền nhận được vào ECB hơn là chấp nhận rủi ro với việc cho vay.

Mặc dù vậy, các đợt tái cấp vốn cũng đã giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian để xoay xở với cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài dai dẳng./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục