Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội ở Việt Nam

Ngày 11/1, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo tham vấn Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam.
Ngày 11/1, tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo tham vấn Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của 8 tỉnh, thành thuộc dự án.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thống nhất một số vấn đề như quan điểm dự án và sự tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp cao đối với việc tổ chức thực hiện dự án; trao đổi về các nội dung kỹ thuật thiết kế các hợp phần dự án về tích hợp chính sách, đăng ký và quản lý bộ cơ sở dữ liệu; các nội dung kỹ thuật thiết kế các hợp phần dự án về thể chế, tổ chức bộ máy, chi trả, phát triển đội ngũ cộng tác viên, truyền thông vì sự phát triển và cơ chế phản hồi giám sát, đánh giá.

Những năm qua, Việt Nam đã thiết lập một hệ thống bao gồm nhiều chương trình trợ giúp xã hội bằng tiền mặt và hiện vật.

Theo số liệu của Viện Khoa học Lao động xã hội, chi phí cho các chương trình trợ giúp xã hội bằng tiền mặt trong năm 2011 tương đương với 0,7% tổng sản phẩm quốc nội.

Phương thức chi trả bằng tiền mặt được thực hiện trong nhiều năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, lỗi thời, chồng chéo và gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Đặc biệt, thủ tục giải quyết khiếu nại yếu kém và thiếu sự giám sát đánh giá đã gây ra nhiều bất cập; việc xử lý các quy trình liên quan đã vượt ngoài khả năng của cán bộ xã hội địa phương, gây ra chậm trễ trong việc trợ giúp các hộ gia đình hưởng lợi.

Trên cơ sở hỗ trợ tư vấn của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, kinh nghiệm của một số quốc gia và ý kiến của các chuyên gia ở Bộ, ngành liên quan, Dự án Tăng cường hệ thống Trợ giúp xã hội Việt Nam xây dựng một hệ thống quản lý và triển khai hiện đại các chương trình trợ giúp xã hội nhằm hỗ trợ Chính phủ giảm nghèo hiệu quả.

Cụ thể, dự án có 3 hợp phần gồm hỗ trợ tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội và giảm nghèo; hỗ trợ khởi động chương trình trợ giúp xã hội bằng tiền mặt mới và hỗ trợ kỹ thuật và quản lý chương trình.

Trước mắt, Dự án triển khai thí điểm ở 24 huyện thuộc 8 tỉnh gồm Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Lào Cai, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Trà Vinh, được thực hiện trong 2 giai đoạn từ 2014-2016 và 2017-2018, với tổng kinh phí là 75 triệu USD.

Dự án được kỳ vọng có thể khắc phục được những bất cập của phương thức chi trả trợ giúp xã hội hiện hành ở Việt Nam./.

H.Chung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục