Kinh tế tháng 5: Điểm sáng xen kẽ khó khăn

Theo đánh giá chung của đại diện các bộ, ngành và địa phương, tình hình kinh tế tháng 5 tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực với nhiều điểm sáng, nhưng cũng có nhiều vấn đề cần được cảnh báo, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Theo đánh giá chung của đại diện các bộ, ngành và địa phương, tình hình kinh tế tháng 5 tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực với nhiều điểm sáng, nhưng cũng có nhiều vấn đề cần được cảnh báo, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Những tín hiệu tích cực

Trong tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng trưởng khá. Số liệu thống kê cho thấy cả quý I, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,3%; nhưng sang tháng 4, giá trị sản xuất công nghiệp  tăng 5,4% và tháng 5 tăng 6,8%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng đà này sẽ tiếp tục trong tháng 6 và tốc độ tăng trưởng công nghiệp quý II sẽ gấp đôi quý I.

Sản xuất nông nghiệp trong quý I không góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế nhưng sang quý II đã có chuyển biến. Với tình hình khả quan trong thu hoạch vụ lúa Đông xuân cả ở miền Nam và miền Bắc, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp sẽ nhích lên.

Giá trị xuất khẩu tuy vẫn nằm trong tình trạng giảm so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đã tăng 2,8% so với tháng trước,ước đạt 4,4 tỷ USD.

Điểm sáng nữa được nhìn nhận đó là sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tháng 5 tăng 1,6% so với tháng 4, đưa chỉ số này trong 5 tháng qua lên 451.800 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy dung lượng tiêu thụ nội địa tăng lên.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, nếu loại yếu tố giá thì mức tăng thực chất của chỉ số này cũng tới 10%. Và như vậy, nhiều khả năng mức tiêu thụ nội địa sẽ xấp xỉ với kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh thu nhập khó khăn như thế này, chủ trương kích cầu của Chính phủ và sức tiêu thụ khá sẽ là động lực giúp cho sản xuất tiếp tục phát triển.

Ông Sinh cũng nhấn mạnh rằng việc chỉ số giá tiêu dùng vẫn khống chế được ở mức tăng 2,12% so với tháng 12/2008 là một điểm nổi bật trong 5 tháng đầu năm.

Khó khăn vẫn còn nhiều

Tuy mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 được điều chỉnh xuống mức 5% và sản xuất kinh doanh có nhiều tín hiệu đáng mừng nhưng trong bối cảnh trong nước và thế giới hiện nay, cũng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ và có giải pháp thúc đẩy để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Tốc độ giải ngân chậm, giá trị xuất khẩu âm, nhập siêu quay trở lại, nguy cơ lạm phát... là những thông điệp cảnh báo được đưa ra trong cuộc họp giao ban sản xuất tháng 5, ngày 26/5 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và số địa phương khác, kim ngạch xuất khẩu tháng sau thấp hơn tháng trước.Việc kim ngạch xuất khẩu cả nước sau 5 tháng chỉ đạt 22,9 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ càng cho thấy tình hình xuất khẩu càng ngày càng khó hơn, dù hiện nay đã ở mức âm so với cùng kỳ.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 3% trong năm nay (giảm 10% so với dự kiến đầu năm) cần phải có một sự đột phá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ và các địa phương có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các mặt hàng tồn đọng, giải quyết lao động dôi dư để từ đó thúc đẩy xuất khẩu.

Tình hình nhập khẩu tiếp tục được lưu ý khi mà sau mấy tháng xuất siêu, nhập siêu lại quay trở lại trong tháng 4 và tháng 5. Riêng tháng 5, nhập siêu lên tới 1,5 tỷ USD. Bên cạnh đó là xu hướng sức ép tăng giá như tăng lương, giá một số nguyên liệu đầu vào như điện; một số mặt hàng trên thị trường nước ngoài cũng nhúc nhích tăng lên; gói kích đầu tư và đầu tư lên tới 8 tỷ USD.

Đây là cũng là vấn đề cần được cảnh báo trong quá trình lập báo cáo, bởi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2009,còn đặt ra là "phải ngăn ngừa tái lạm pháp".

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết trong tháng 5 tiếp tục không tăng cũng là một vấn đề. Bộ Kế hoạch và  Đầu tư cho rằng tình trạng trên có nguyên nhân từ chính nhà đầu tư nước ngoài, do họ đang khó khăn về vốn.

Bên cạnh đó, tình hình giải ngân vốn FDI đang chậm lại, mới chỉ bằng 70,9% so với cùng kỳ. Nguồn vốn ODA không khá hơn với mức đạt 38% kế hoạch và tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước, tuy được đánh giá là nhanh hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng tính chung trong 5 tháng cũng chỉ bằng 33,2% kế hoạch.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm nay, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, Trái phiếu Chính phủ và ODA rất là lớn. Về vốn ngân sách, kế hoạch đầu năm là 112. 000 tỷ đồng, vốn 2008 chuyển sang 2009 là 22.500 tỷ đồng; sắp tới đây là nguồn vốn ứng trước lên tới 30.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng hợp các nguồn này sẽ xấp xỉ trên 160.000 tỷ đồng. Nguồn trái phiếu chính phủ năm nay cũng rất lớn, tới 36.000 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 15%.

Tuy 5 tháng qua, tốc độ giải ngân vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nhưng so với chủ trương kích cầu của Chính phủ còn quá thấp so với yêu cầu đặt ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các đơn vị, các ngành , các cấp tập trung giải ngân hết nguồn vốn từ năm 2008 chuyển sang vào cuối tháng 6 tới, không nên kéo dài đến cuối năm để ảnh hưởng tới nguồn vốn phân bổ năm nay.

Thứ trưởng Cao Viết Sinh nêu rõ: "Sẽ không để thiếu một đồng vốn đối ứng nào cho các dự án trọng điểm. Thậm chí Bộ nào, địa phương nào có khả năng giải ngân ODA nhanh hơn nữa sẽ được Bộ hỗ trợ thủ tục cần thiết để thực hiện."

Bộ cũng cảnh báo sẽ áp dụng chế tài và biện pháp điều chuyển vốn theo thẩm quyền đối với những đơn vị, dự án không sử dụng hết vốn đã phân bổ, đồng thời tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình giải ngân trên địa bàn cả nước. Tới đây, Bộ sẽ phối với các đơn vị chức năng Bộ cũng cho biết: Sẽ làm việc với tất cả các nhà tài trợ; trước mắt trong tháng 6 sẽ làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) để thúc đẩy giải ngân các các dự án ODA, nhất là của WB. Dự kiến mức giải ngân ODA năm nay sẽ khoảng 2,5 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục