Triển khai trực dịch cúm A (H1N1) 24/24 giờ

Ngày 4/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến chỉ đạo khẩn cấp công tác phòng dịch cúm A (H1N1) với 63 tỉnh, thành phố, chia thành các đầu cầu: Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đắk Lắk.

Ngày 4/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến chỉ đạo khẩn cấp công tác phòng dịch cúm A (H1N1) với 63 tỉnh, thành phố, chia thành các đầu cầu: Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đắk Lắk.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định, dịch cúm A (H1N1) là vấn đề cấp bách toàn cầu cần được phòng chống và ngăn chặn kịp thời. Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh từ trẻ em đến người già. Việt Nam hiện chưa có trường hợp mắc cúm A (H1N1), hàng nghìn trường hợp nhập cảnh có biểu hiện bệnh cúm song đều được xác định âm tính với cúm A (H1N1). Tuy nhiên quá trình lây lan bệnh diễn ra ở những người chưa có triệu chứng.

Thứ trưởng đề nghị tất cả các Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, các Viện triển khai nhanh chóng công điện của Chính phủ; đưa thông tin nhanh, chính xác đến người dân. Đồng thời, làm tốt công tác sàng lọc, phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời khi có người mắc bệnh. Tại các cửa khẩu, việc trực dịch phải được thực hiện 24/24 giờ.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Nguyễn Huy Nga cho biết: đến ngày 4/5, trên thế giới đã có gần 1.000 trường hợp đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với cúm A (H1N1) và có 20 trường hợp đã tử vong tại 19 nước. Dự báo trong thời gian tới, các nước ghi nhận bệnh này sẽ tiếp tục tăng lên.

Chính vì thế, tại các cửa khẩu hiện nay, người nhập cảnh phải có tờ khai y tế bắt buộc, đồng thời Bộ Y tế tiếp tục tăng cường máy đo thân nhiệt cho các cửa khẩu, tổ chức diễn tập phòng chống đại dịch… Đặc biệt, người ở nước ngoài về nếu có các biểu biện của bệnh cúm cần phải báo ngay cho các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nêu rõ: Cúm A (H1N1) là bệnh gây ra do virus mới và hiện chưa có vắcxin điều trị. Bệnh diễn biến nặng tùy thuộc vào từng quốc gia với tỷ lệ tử vong từ 0% đến 4% và mức độ lây truyền chưa rõ ràng.

Hiện bệnh được chia ra làm 3 mức độ: ca dịch nghi ngờ, ca bệnh có thể và ca bệnh xác định. Chính vì thế, người dân hãy chủ động phòng chống bệnh bằng cách rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang và không đi đến những nơi đang có dịch lưu hành.

Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: các tỉnh, thành phố thuộc khu vực này đã triển khai nhiều giải pháp khẩn cấp như: củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, thành lập các tiểu ban, viết phần mền kiểm dịch cho tất cả các hành khách, đặc biệt đã xét nghiệm kịp thời các hành khách có thân nhiệt cao và đều có kết quả âm tính với cúm A (H1N1).

Đại diện đầu cầu Đà Nẵng nêu rõ: khu vực này có 5 đơn vị đều có cửa khẩu nhưng hiện nay chỉ có 1 máy đo thân nhiệt tại Đà Nẵng và hầu như không còn thuốc Tamiflu. Chính vì vậy để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, Bộ Y tế cần nhanh chống cấp thuốc và trang thiết bị cho các tỉnh, đặc biệt là Tamiflu, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, máy thở…

Đại diện đầu cầu Nghệ An kiến nghị Bộ Y tế cần xác định lại thời điểm trực dịch 24/24 giờ sao cho phù hợp vì hiện nay chưa có dịch nêu không biết lấy kinh phí cho hoạt động này từ đâu.

Đại diện các tỉnh đề nghị: tăng cường công tác giám sát cộng đồng; chọn một số trường học, bệnh viện để chuẩn bị cho khâu kiểm dịch tập trung khi cần thiết; thành lập ban chỉ đạo liên vùng để kiểm soát tốt đường bộ, đường biển, đường không tại các tỉnh, thành phố; nếu dịch bùng phát cần thành lập vùng điểm để ngăn chặn sự sâm nhập dịch bệnh giữa các địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục