Hẩm hiu thân phận những đứa trẻ đánh giày

Hà Nội ngày giáp Tết, với manh áo mỏng manh, chiếc quần cũ ngắn cụt cỡn,... bọn trẻ đi hết phố này đến phố khác tìm khách đánh giày.
Cậu bé không còn nhớ nổi lần cuối cùng mình được hưởng niềm vui đón Tết cùng gia đình là bao giờ. Từ nhiều năm nay, Quang và mấy người bạn đánh giày trọ cùng ở ngoài bãi Chương Dương ăn tết ở Hà Nội. Chúng đón tết mà chẳng có đến một chiếc bánh trưng hay hộp mứt.

Mong ông trời hửng nắng

“Hôm nay trời lại trở lạnh, thấy bảo là đợt rét này còn kéo dài lắm phải không anh? Thế thì bọn em kiếm đâu ra khách cơ chứ!” Cậu bé đánh giày trên phố Triệu Việt Vương tên Quang đã than như vậy với tôi.

Trời hôm nay bỗng trở rét, cái rét cắt da cắt thịt cộng với mưa phùn khiến người ta phát sợ. Cái lạnh khiến cho các quán xá ở đây vốn nhộn nhịp người ra kẻ vào giờ bỗng vắng tanh. Bầu không khí yên ắng lạ thường, chỉ thi thoảng có một vài chiếc xe phóng qua phá vỡ sự yên lặng trong giây lát.

Ở một góc phố, hai cậu bé đánh giày với manh áo mỏng tanh, chiếc áo khoác vá lỗ chỗ, đôi dép lê đã được khâu vá nhiều cùng với chiếc quần vải mỏng tanh, ngắn cũn cỡn, môi thâm xì vì lạnh, ánh mắt buồn rười rượi đang co ro ngồi dưới gốc cây. Hai đứa trẻ đó là Quang và Thanh, quê ở Hoằng Hóa – Thanh Hóa.

Nhìn thấy một toán khách, mắt chúng sáng lên lao đến mời mọc.

May cho hai đứa trẻ là không cần mời mọc, cả 5 vị khách chẳng ai bảo ai đều tháo giày bảo chúng đánh. Có lẽ nhìn cái bề ngoài của hai đứa mà những vị khách này động lòng trắc ẩn nên dù giày vẫn còn sạch, bóng loáng nhưng họ vẫn vui vẻ nhờ bọn trẻ đánh giày.

Hồ hởi ôm mấy đôi giày ra một góc, hai đứa trẻ lại cặm cụi làm cái công việc mà bao năm qua chúng đã quá quen thuộc, đến mức “nhắm mắt” cũng có thể làm cũng được. Quang (Sinh năm 1996) bảo: Gia đình em nghèo lắm! Bố thì nghiện rượi, suốt ngày đánh đập mẹ và mấy anh em. Nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn. Các em đều nghỉ học, đứa thì theo mẹ đi làm thuê ở Thành phố Thanh Hóa, đứa thì đi bới rác bên Sóc Sơn. Cuộc sống vô cùng cơ cực và tủi nhục.

Trong khoảnh khắc ngắn ngủi giãi bày tâm sự cùng tôi, em bật khóc: Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, nhìn những bạn khác cùng trang lứa sum họp cùng gia đình, em chẳng mong muốn gì ngoài một gia đình yên ấm hạnh phúc anh ạ!

Quang, Thanh và mấy đứa trẻ khác thuê một phòng trọ ở ngoài bãi Chương Dương. Thanh (Sinh năm 1995) bảo: Gọi là phòng cho nó oai thôi anh ạ chứ kỳ thực nó giống một túp lều thì đúng hơn. Những lúc trời mưa thì có ở trong nhà cũng chẳng khác gì ngoài sân, mọi người bảo nhau mặc áo mưa đi ngủ cả!

Thanh tiếp chuyện: Một ngày nếu may mắn thì có thể kiếm được 50 đến 60 ngàn đồng. Trong nhóm của em, có đứa phải lang thanh tận đường Giải Phóng để tìm khách. Tờ mờ sáng là đi, nửa đêm mới mò về phòng trọ để ngủ.

Những ngày cận tết, nhu cầu làm đẹp, chỉnh trang của người dân nhiều hơn nên các em càng phải cố gắng làm việc cật lực hơn, tranh thủ kiếm thêm để bù vào những ngày mưa nắng, giá rét.

Quang tâm sự: "Công việc của bọn em cũng phụ thuộc vào nắng mưa! Mấy hôm nay, mặc dù đã sắp đến Tết rồi nhưng mà trời rét, khách ít quá, cả ngày đi trẹo cả chân mà vẫn không kiếm được bằng 1/3 năm ngoái. Vất vả là vậy nhưng vẫn phải cố để có thêm chút tiền mang về cho mẹ sắm tết anh ạ!"

Thanh tiếp lời: Bọn em ngày nào cũng ngồi nghe ngóng dự báo thời tiết xem ngày mai mưa hay nắng, trời ấm hay trời lạnh. Đứa nào đứa nấy đều mong ngày mai trời sẽ ấm hơn, người dân sẽ ra đường nhiều hơn để bọn em có thể kiếm được nhiều khách hơn.

Quả thật, người Hà Nội sợ lạnh vì rét mướt, nhưng với những đứa trẻ đánh giày như Quang, Thanh thì rét là không có khách, là đói. Thử hỏi có mấy ai đủ kiên nhẫn đợi đánh giày trong gió rét mưa phùn, những đồng tiền chắt bóp cùng hy vọng về quê vì thế cũng xa hơn rất nhiều.

Nói xong câu chuyện, Quang và Thanh chào tôi rồi gói gém đồ nghề đi tìm khách.

Vì mưa sinh nên em không có Tết

Tết đã cận kề, trong khi những đứa trẻ như Quang, Thanh đang nỗ lực kiếm tiền để về que thì có nhiều bạn không thể về quê đón Tết cùng gia đình.

Mới 15 tuổi nhưng Bằng đã có thâm niên 6 năm trong nghề đánh giầy ở khu vực Khâm Thiên, Đỗ Hành. Cũng có không ít lần nhờ em đánh giúp giày ở Đỗ Hành nên Bằng tâm sự khá cởi mở với tôi.

6 năm lang thang khắp phố phường Hà Nội làm nghề đánh giầy, là 6 năm em không có Tết. Với cái giọng Quảng Bình trọ trẹ, em kể: “Quê em nghèo lắm, mẹ mất từ khi em mới sinh ra, các anh chị cũng vào Nam làm thuê cả. Tiền tàu xe về quê cũng mất 500 ngàn thì về làm gì, ở lại tranh thủ kiếm thêm chút tiền.”

Với suy nghĩ đó, suốt bao năm qua, Bằng và đám bạn ăn Tết ở Hà Nội. Nhóm của Bằng có 6 người thuê một căn phòng rộng chừng 15m2 ở Thanh Nhàn để lấy chỗ chui ra chui vào và năm nào cũng vậy, các em đều đón giao thừa ngoài đường, không một chiế bánh chưng, không một hộp mứt.

Bằng bảo: Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ sáng sớm là bọn em lại chia nhau tỏa đi khắp nơi để kiếm khách. Công việc đó cứ diễn ra từ ngày này qua ngày khác đến tận chiều 30 Tết mới tạm dừng. Cả nhóm lại góp tiền mua kẹo, mua đồ lưu niệm để bán lúc giao thừa. Công việc này cũng kiếm khá anh ạ!

Em tâm sự: 6 năm rồi nhưng mà em vẫn chưa thể quen được cái lạnh của miền Bắc anh ạ! Những khi mưa dầm, gió bấc tràn về cùng cái lạnh cắt da, cắt thịt quả là một cực hình.

Mấy hôm nay Hà Nội có hửng nắng nhưng dù đang làm việc mà đôi vai Bằng cứ liên tục rúng động, toàn thân thi thoảng lại run lên bần bật.

“Em đang cố gắng tiết kiệm tiền để một vài năm nữa sẽ vào trong Nam với các anh,” Bằng nói.

Tôi không biết ở Hà Nội có chính xác bao nhiêu mảnh đời như Quang, Thanh hay Bằng nhưng có một điều tôi dám khẳng định là còn rất nhiều. Cứ nghĩ đến cảnh những bạn cùng trang lứa với chúng đang được quây quần bên gia đinh, tíu tít đi chơi lúc giao thừa, sung sướng nhận tiền lì xì tôi thấy thật chạnh lòng.

Không biết đến bao giờ những đứa trẻ này mới có một cái Tết đầm ấm bên gia đình? Đến bao giờ chúng mới thoát khỏi cái cảnh lang thang khắp phố phường Hà Nội, cặm cụi mời mọc để bán từng phong kẹo trong đêm giao thừa../.

Thanh Ngọc/vietnam+

Tin cùng chuyên mục