Thái Lan thu thập ý kiến của toàn dân về cải cách

Thủ tướng Thái Lan đã khởi động chương trình thu thập các ý kiến, đề xuất của nhân dân, nhằm cải cách đất nước và thúc đẩy dân chủ.
Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva ngày 1/7 đã khởi động chương trình thu thập các ý kiến, đề xuất của nhân dân, nhằm cải cách đất nước và thúc đẩy dân chủ.

Chương trình mang tên “Sáu ngày 63 triệu suy nghĩ đề đạt về cải cách quốc gia” của chính phủ khuyến khích nhân dân cả nước gọi điện thoại tới tổng đài để bày tỏ nguyện vọng và đề xuất các phương án thực hiện mục tiêu cải cách đất nước. Đây được xem là một trong các nỗ lực hòa giải dân tộc và duy trì hòa bình khi đang có sự chia rẽ xã hội sâu sắc ở Thái Lan.

Đề cập đến khả năng dỡ bỏ sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Abhisit cho biết sắc lệnh này sẽ tiếp tục được duy trì ở Bangkok, nhưng có thể được dỡ bỏ tại 23 tỉnh thành khác, nếu tình hình trở lại bình thường. Thủ tướng Abhisit tán thành quan điểm của Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Suthep Thaugsuban rằng Bangkok vẫn có nguy cơ bị các phần từ chống đối chính phủ tấn công bạo lực.

Tình hình bất ổn vẫn diễn ra ở Thái Lan, mới nhất là vụ bắn lựu đạn vào một kho hậu cần của quân đội ở tỉnh Nonthaburi và vụ gây nổ tại trụ sở đảng Niềm tự hào nước Thái (Bhumjaithai) ở thủ đô Bangkok.

Thawil Pliensri, người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia và là Tổng Thư ký của Trung tâm giải quyết tình trạng khẩn cấp (CRES), dự kiến sẽ xem xét khả năng bãi bỏ sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp ở một số tỉnh thành tại Thái Lan.

Các cơ quan an ninh trực thuộc CRES ngày 5/7 sẽ thảo luận tình hình và trình kiến nghị lên Nội các về việc liệu có nên gia hạn hay dỡ bỏ sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, sẽ kết thúc vào ngày 7/7 nếu không được gia hạn thêm.

Trong khi đó, CRES đã ra lệnh cho cảnh sát theo dõi chặt chẽ 68 điểm có nguy cơ rủi ro cao ở Bangkok, trong đó Tòa nhà chính phủ và các công sở hay kho tàng khác, để ngăn chặn khả năng bị tấn công. Phó Thủ tướng Suthep, trên cương vị Giám đốc CRES, trước đó khẳng định chính phủ sẽ không thay thế tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại Bangkok và 23 tỉnh thành của nước này, bằng Luật an ninh nội địa (ISA) để kiểm soát tình hình.

Luật ISA sẽ cho phép Bộ chỉ huy các chiến dịch an ninh nội địa (ISOC) do Thủ tướng đứng đầu, triển khai các chiến dịch an ninh, trong khi quân đội chỉ đóng vai trò hỗ trợ cảnh sát duy trì an ninh, trật tự xã hội.

Trong một diễn biến liên quan, Tòa phúc thẩm Thái Lan vừa bác đơn của 10 thủ lĩnh và thành viên Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) xin nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại. Những người thuộc phe "áo đỏ" này đang bị tạm giam với cáo buộc khủng bố.

Tòa phúc thẩm tuyên rằng 10 nghi can trên phạm tội nghiêm trọng, có thể lãnh án ở mức cao nhất là tử hình nếu bị kết tội. Do được coi là mối nguy hiểm đối với dân chúng, nên những người này không được phép tại ngoại. Đây cũng được xem là một trong những biện pháp đề phòng họ trốn ra nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục