Xử lý nghiêm những vi phạm về vệ sinh thực phẩm

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế áp dụng biện pháp xử lý nghiêm đối với những người và cơ sở vi phạm Luật an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sáng 6/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát động Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (10/1-12/2) năm 2012 với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết dân tộc và các lễ hội" tại Cung văn hóa Hữu Nghị.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chủ động phối hợp các các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trong cả nước; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với những người và cơ sở vi phạm Luật an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, các phương tiện truyền thông cần tuyên truyền tốt hơn nữa về an toàn vệ sinh thực phẩm tới người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nhằm thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng thực phẩm của người dân...

Phó Thủ tướng nêu rõ Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2012 với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết dân tộc và các lễ hội" nhằm giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2012 và trong thời gian diễn ra các lễ hội so với cùng kỳ năm 2011; đồng thời huy động các kênh truyền thông phổ biến đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm những nội dung cơ bản của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở cung cấp thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán và các lễ hội...

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những nỗ lực cố gắng các các Bộ ngành, Ủy ban Nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cùng với các địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhờ vậy nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được nâng lên; hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm đã có mặt ở tất cả các địa phương trên cả nước với 63 Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc ngành y tế; hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường, bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất rau an toàn chiếm 10% diện tích rau cả nước...

Đặc biệt, năm 2011, tình hình ngộ độc thực phẩm đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2010. Cụ thể: số vụ ngộ độc giảm 22%, số người mắc giảm 19,7% và số người tử vong giảm 55%.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn gặp một số thách thức lớn như chưa kiểm soát hết thực phẩm nhập qua biên giới, hoócmôn tăng trưởng và yếu tố vi sinh; bệnh truyền qua thực phẩm...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết năm 2011, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã đạt được những kết quả quan trọng như Luật an toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1/7/2011; công tác hậu kiểm về an toàn vệ sinh thực phẩm đã được triển khai một cách mạnh mẽ từ Trung ương đến đại phương; công tác thông tin giáo dục truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm đã được tiến hành tích cực, giúp cho nhận thức của 4 nhóm đối tượng là cán bộ lãnh đạo quản lý về an toàn thực phẩm, người sản xuất, chế biến thực phẩm, người kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm được nâng lên.

Trong năm 2011, hơn 484.000 cơ sở, sản xuất, chế biến thực phẩm đã được thanh tra, kiểm tra; đặc biệt những cơ sở vi phạm lớn đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn là ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp, trường học, du lịch và lễ hội..., gây tổn thất lớn về kinh tế cho việc khắc phục hậu quả và điều trị người bệnh, gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín hàng hóa, thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo hiện nay, thời tiết ở miền Bắc, đặc biệt là dịp Tết thường ẩm ướt khiến cho các loại hạt có dầu như lạc, hướng dương, đậu... rất dễ phát sinh các loại nấm mốc. Trong khi ở phía Nam, thời tiết nóng dễ làm hỏng các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Vì vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ nghiêm túc các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, giám sát vấn đề phụ gia thực phẩm.

Đối với người tiêu dùng, chỉ mua và sử dụng thực phẩm ở những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn được bày bán ở những địa chỉ cố định, rõ ràng; đọc kỹ nhãn mác, lưu ý hạn sử dụng và đặc biệt sử dụng thực phẩm điều độ phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nhâm Thìn cũng như dịp lễ hội đầu xuân 2012./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục