Giá lương thực kéo chỉ số giá tiêu dùng đi xuống

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,27% so với tháng 4, nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh vì miền Nam được mùa.
Đúng như dự đoán của các chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 chỉ tăng 0,27% so với tháng 4.

Tuy nhiên, với mức tăng nhẹ này, CPI tháng 5/2010 vẫn tăng 9,05% so với cùng kỳ năm 2009, đưa CPI 5 tháng qua tăng 4,55% so với tháng 12/2009 và tăng 8,76% so với cùng kỳ 2009.

CPI tháng 5 tăng ở 9/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,07-1,46%. Tiếp tục dẫn đầu về mức tăng cao nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,46%; tiếp đến là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác với mức tăng 1,34%. Tăng thấp nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 0,07%.

Đặc biệt trong tháng 5, hai nhóm hàng hóa tiếp tục giảm rõ rệt là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,12%, trong đó, lương thực giảm tới 1,29%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

Theo Tổng cục Thống kê, sở dĩ CPI tháng 5 chỉ tăng nhẹ là do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm hàng hóa đóng góp gần 40% trong cơ cấu CPI) tiếp tục giảm nhờ miền Nam được mùa. Bên cạnh đó, giá thực phẩm cũng chỉ nhích nhẹ do giá thịt lợn giảm mạnh khi dịch tai xanh bùng phát.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong tháng 5, mặc dù giá nhà ở và vật liệu xây dựng tiếp tục tăng mạnh nhưng với cơ cấu chỉ chiếm 10% trong CPI nên việc tăng giá của nhóm hàng hóa này không có khả năng “kéo” CPI chung tăng cao.

Trong tháng 5, giá vàng đã tăng nhẹ trở lại với mức 1,91% so với tháng 4, đưa giá vàng 5 tháng qua giảm 2,71% so với 12/2009.

Giá USD giảm 0,63% so với tháng 4, đưa giá USD 5 tháng qua tăng 0,58% so với tháng 12/2009.

Tổng cục Thống kê nhận định, trong tháng 6 tới, diễn biến giá cả sẽ không có gì đặc biệt, theo đó, giá xăng dầu có thể sẽ giảm, giá gạo tiếp tục giữ giá hoặc chỉ tăng nhẹ do lượng gạo dự trữ cho xuất khẩu vẫn còn nhiều.

Bên cạnh đó, tháng 6 là tháng bắt đầu mùa du lịch nhưng do tỷ trọng đóng góp của nhóm du lịch văn hóa giải trí trong rổ hàng hóa chung chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên dù giá cả du lịch có thể tăng nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến CPI chung.

Ngoài ra, việc tăng lương cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến việc tăng giá chung. Chính vì vậy, CPI tháng 6 dự kiến sẽ chỉ tăng với mức xấp xỉ như tháng 5./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục