Chính phủ thảo luận đề án đổi mới giáo dục-đào tạo

Ngày 31/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã thảo luận về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo.
Ngày 31/7, tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã thảo luận về dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung lớn của Đề án liên quan đến nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục ...

Một số ý kiến của thành viên Chính phủ cùng đề xuất, bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các nghành nghề mũi nhọn, công nghệ cao, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; quan tâm khắc phục những bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tất cả những thành tựu đạt được của đất nước đều có phần đóng góp tích cực của giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, đòi hỏi phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban soạn thảo Đề án tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại bố cục, nội dung của Đề án, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, mục tiêu đổi mới, các nhiệm vụ và giải pháp...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục có những đóng góp ý kiến bằng văn bản vào Đề án; Ban soạn thảo Đề án tiếp thu, bổ sung các ý kiến đóng góp đối với Đề án, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục thảo luận trước khi trình Trung ương xem xét.

Nội dung của dự thảo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gồm 5 phần và 7 phụ lục.

Mục tiêu tổng quát của Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội; giáo dục trở thành động lực chính của sự phát triển bền vững đất nước. Đến năm 2030 giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục mở, chất lượng cao, đạt trình độ nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Đề án đã đưa ra các mục tiêu cụ thể đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục kỹ thuật-dạy nghề, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên./.

Thiện Thuật (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục