Bộ Luật lao động mới thúc đẩy sự bình đẳng giới

Điểm mới của Bộ luật lao động là đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, tiền lương và các chế độ khác.
Sáng 16/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố sáu Luật đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Sáu Luật được công bố lần này gồm Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giáo dục đại học và Luật công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, so với Bộ luật Lao động hiện hành, Bộ luật lao động (sửa đổi) có 17 Chương, 242 Điều, tăng 23 Điều, quy định về tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

Một trong những điểm mới của Bộ luật là đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.

Tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên sáu tháng, tuy nhiên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được bốn tháng.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Hợp đồng lao động cũng là Chương có nhiều thay đổi so với hiện hành nhằm hạn chế những bất cập từ thực tiễn thi hành; tăng sự linh hoạt trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động thông qua việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.

Luật công đoàn (sửa đổi) gồm 6 Chương, 33 Điều, tăng 2 Chương và 14 điều so với Luật hiện hành.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính, Luật đã thiết lập một số điều khoản mới, chủ yếu liên quan đến việc quy định rõ thêm trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, những bảo đảm cho Công đoàn hoạt động và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

Một nội dung quan trọng của Luật là xác định rõ địa vị pháp lý của Công đoàn, tạo cơ sở cho việc quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm theo lĩnh vực hoạt động của Công đoàn, tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn thực hiện tốt các chức năng luật định.

Luật giáo dục đại học gồm 12 Chương, 73 điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Luật giáo dục đại học quy định bốn vấn đề mới cơ bản gồm phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo. Trong đó, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của Luật.

Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, gồm 5 Chương, 35 Điều, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định Luật sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, góp phần hạn chế bệnh tật, cứu sống tính mạng người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Luật bảo hiểm tiền gửi có 7 Chương, 39 Điều, được ban hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình, Luật này đã đạt một bước tiến trong việc xác định rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

Để khắc phục những hạn chế trong quy định về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi, Luật quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

Cũng theo Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình, với 5 Chương, 50 Điều, Luật phòng, chống rửa tiền được ban hành là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở nước ta, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Việc ban hành Luật này cũng là hành động thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh chống lại hoạt động rửa tiền./.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục