Cần rà soát lại bộ máy điều hành xuất khẩu gạo

Sáng 12/6, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc điều hành xuất khẩu gạo; về sản xuất công nghiệp ôtô; quản lý và phát triển thị trường nội địa...

Sáng 12/6, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc điều hành xuất khẩu gạo; về sản xuất công nghiệp ôtô; quản lý và phát triển thị trường nội địa...
 
Để gạo tồn đọng, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu?
 
Tính đến hết ngày 31/5/2009, cả nước xuất khẩu gạo đạt xấp xỉ 3 triệu tấn, trị giá trên 1,2 tỷ USD (cùng kỳ 2008 xuất khẩu 2,7 triệu tấn); dự kiến tháng 6/2009 sẽ xuất khẩu 650.000 tấn gạo. Vụ hè thu năm nay dự báo sản lượng gạo hàng hóa sẽ đạt khoảng 2 triệu tấn. Tính chung, năm 2009 sẽ hoàn thành chỉ tiêu định hướng của Chính phủ là xuất khẩu gạo từ 4,5 đến 5 triệu tấn…
 
Về cơ chế xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo trên cơ sở dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bộ Công thương dự báo lượng gạo hàng hóa có khả năng xuất khẩu và thực hiện nhiệm vụ đàm phán với các nước để cam kết xuất khẩu vào từng thị trường. Hiệp hội Lương thực điều phối xuất khẩu căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ và đăng ký của doanh nghiệp. Tổ chức của Hiệp hội Lương thực hoạt động theo Điều lệ của hiệp hội đã được Bộ Nội vụ phê duyệt; định kỳ bầu ra ban lãnh đạo. Nhân sự của Hiệp hội do các doanh nghiệp bầu chọn.
 
Hiệp hội Lương thực Việt Nam thực hiện điều phối xuất khẩu gạo theo hai loại hợp đồng là hợp đồng của Chính phủ và hợp đồng thương mại. Chính phủ giao cho Hiệp hội điều hành các Tổng công ty lương thực xuất khẩu gạo theo hợp đồng của Chính phủ để bảo đảm tiến độ đã cam kết với các nước. Số gạo xuất khẩu theo hợp đồng thương mại chiếm khoảng 47% do các doanh nghiệp khai thác thị trường nhưng phải đăng ký với Hiệp hội để bảo đảm thống nhất giá…
 
Về tình trạng tồn đọng lúa gạo trong năm qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhận trách nhiệm trước cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội và cho biết Bộ Công thương sẽ cố gắng giải quyết tốt việc xuất khẩu gạo vì lợi ích của người nông dân và lợi ích quốc gia. Bộ trưởng cũng cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần và cho hướng để Bộ Công thương và các bộ liên quan xử lý gạo tồn. Vụ hè thu dự kiến khoảng 2 triệu tấn, nhưng thiếu kho, lượng kho không còn chứa được nhiều. Vì vậy, thủ tướng đã giao cho tổng Công ty Lương thực miền Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng thêm kho chứa đạt chất lượng và dung lượng chứa tốt hơn.
 
Về những hạn chế trong điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực, Bộ trưởng cho biết ngày 5/6, Thủ tướng tiếp tục giao cho Hiệp hội rà soát tình hình xuất khẩu gạo và yêu cầu hiệp hội tăng cường tính minh bạch trong các hợp đồng xuất khẩu gạo; đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về xuất khẩu gạo.
 
Xe tải và xe buýt sẽ nội địa hóa đến 80%
 
Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng thừa nhận, sản xuất công nghiệp ôtô đang ở tình trạng lắp ráp. Đây là một thực tế nhiều năm qua, Việt Nam mới giải quyết “cái lãi” về lao động, chưa có tăng giá trị gia tăng. Thời gian gần đây, một số sản phẩm công nghiệp đã tạo ra giá trị gia tăng. Riêng ôtô tải, xe buýt, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt 50-60%; động cơ hai dòng xe này, Việt Nam đang chế tạo…và tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng 80% trong vài năm tới.
 
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp tàu thủy đã xây dựng nhà máy chế tạo động cơ thủy tới 3.000 mã lực và nhà máy chế biến thép tấm để làm vỏ tàu. Như vậy, công nghiệp đóng tàu thủy cũng sẽ có giá trị gia tăng.
 
Phủ kín điện lưới quốc gia và kiểm tra vùng nhiễm điện
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ, đầu tư điện các xã vùng cao, vùng sâu là vấn đề Chính phủ quan tâm. Mục tiêu của Việt Nam đạt 95% số xã toàn quốc có điện quốc gia vào năm 2010, nhưng đến nay đã đạt 97,74 % số xã có điện, vượt kế hoạch đề ra. Số xã còn lại ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, hải đảo, Chính phủ tiếp tục đầu tư điện vì mục đích bảo đảm an sinh xã hội không phải vì lợi nhuận.
 
Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng do lưới điện 220 KV ở Quảng Bình và Tuyên Quang, bộ trưởng cam kết ngay sau phiên họp này, bộ sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành kiểm tra một cách khách quan để xử lý.
 
Điều chỉnh danh mục máy nông nghiệp được sử dụng vốn kích cầu
 
Hiện nay, người nông dân khó tiếp cận vốn kích cầu để mua máy móc phục vụ sản xuất, vì theo quy định thì vốn kích cầu chỉ được mua máy móc sản xuất trong nước, trong khi máy xuất xứ từ Việt Nam không có hoặc không đủ so với nhu cầu của nông dân.
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết theo Quyết định 497 của Chính phủ, Bộ Công thương đã kết hợp với các bộ hữu quan, ban hành danh mục chi tiết các loại sản phẩm vật tư xây dựng, vật tư nông nghiệp do trong nước sản xuất giúp người nông dân dễ dàng mua loại hàng hóa này bằng vốn kích cầu.
 
Riêng máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp trên thị trường, cơ khí nông nghiệp nội địa mới đáp ứng được khoảng 30%. Bộ Công thương sẽ tìm giải pháp giúp các doanh nghiệp trong nước tăng cường sản xuất máy nông nghiệp; đồng thời phối hợp với ngân hàng điều chỉnh danh mục máy móc để nông dân có cơ sở vay vốn kích cầu.
 
Kêu gọi cử tri tham gia quản lý và phát triển thị trường nội địa
 
Về tình hình gian lận thương mại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng tích cực kiểm soát, nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Công tác quản lý thị trường còn khó khăn, điều hành còn hạn chế.
 
Cả nước có 6.000 cán bộ quản lý thị trường, mỗi tỉnh khoảng 80 người; riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 1.000 người; còn 5.000 người chia cho 61 tỉnh, thành khác. Chính phủ đồng ý bổ sung biên chế 1.000 cán bộ quản lý thị trường cho các tỉnh biên giới, các tỉnh có phức tạp về thị trường và sẽ tăng cường phương tiện công vụ và tăng cường phối hợp với các lực lượng khác mới có kết quả cao.
 
Về việc hóa chất độc hại ở sản phẩm quần áo, Bộ Công thương đang bàn với Bộ Y tế để kiểm tra chất gây độc hại ở quần áo… Nhưng đến nay, những quy phạm về hóa chất gây nhiễm độc ở quần áo chưa có, thiếu cơ sở kết luận hàng nào độc hại. Bộ trưởng Huy Hoàng khuyến nghị người tiêu dùng tỉnh táo trong sự lựa chọn hàng hóa, vì đặc thù hàng hóa loại này rất rẻ và đề nghị cử tri phát hiện những cửa hàng kinh doanh mặt hàng này, báo cho cơ quan chức năng xử lý.
 
Về việc khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam, bộ trưởng hứa sẽ xem xét đề xuất những giải pháp để phát triển thị trường trong nước trên nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.
 
Về gian lận ở các cây xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận hoạt động quản lý thị trường trong vấn đề này có nhiều bất cập, thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra để giảm gian lận./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục