Trang Trịnh và “những khúc dạo đầu về tình yêu”

Chương trình độc tấu piano của Trang Trịnh sẽ là một câu chuyện kể về tình yêu với những cung bậc cảm xúc tràn ngập qua phím đàn.
Sau chương trình piano sáng tạo “Nhật ký dương cầm” hồi tháng 2/2011, Trang Trịnh (tên thật Trịnh Mai Trang) vừa hoàn thành chuyến lưu diễn châu Âu thứ hai của mình tại Anh, Pháp, Hungary, Thụy Sĩ. Và, tối 3/11 cô sẽ tái ngộ khán giả Thủ đô với đêm diễn đặc biệt tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội. “Đặc biệt” là bởi không giống với các chương trình độc tấu piano khác, nội dung xuyên suốt của buổi biểu diễn sẽ là một câu chuyện kể, sẽ giống như trang nhật ký với những cung bậc cảm xúc qua phím đàn… Và, đặc biệt hơn bởi sự kết hợp của Trang Trịnh với nghệ sĩ khách mời là giọng nam cao Hàn Quốc Park Sung Min. Hai nghệ sĩ sẽ cống hiến cho khán giả một đêm với hai phần diễn hứa hẹn tràn ngập cảm xúc. “Những Khúc dạo đầu-Prelude của Debussy luôn cho tôi cảm giác đơn độc một cách thi vị. Dường như không có bóng dáng thân thương nào trong những bản nhạc này, chỉ có đám đông và những người lạ. Sẽ khó có thể ngâm nga hát nhạc của Debussy, điều này có thể khiến nhạc của ông có cảm giác ‘khó nghe’. Thế nhưng đó lại chính là điểm hấp dẫn của phong cách Debussy,” Trang Trịnh nói về phần một của chương trình. Bởi theo Trang, không giống như một câu chuyện, những bản nhạc của Debussy như bức tranh nhiều màu sắc. Sự lạnh lẽo của đêm trăng, vẻ uy nghi của Nhà thờ, hay sự kỳ quái của ông Tổng Lavine, tất cả đều được khơi gợi bằng bút pháp tinh tế của nhà soạn nhạc người Pháp này. Theo đó, các tác phẩm của Claude Debussy được Trang Trịnh chọn lựa chơi trong phần một là: Ban công trong ánh trăng; Cổng rượu; Hoa thạch thảo; Ông Tổng Lavine - lập dị; Nhà thờ cổ chìm trong lòng biển; Pháo hoa. Còn phần hai của chương trình lại tiếp nối mạch cảm xúc từ phần đầu. Trang chia sẻ: “Câu chuyện về tình yêu vẫn là chủ đề bất tận của âm nhạc. Từ tôn sùng trong sáng, cho tới sự bất lực trước cái chết chia rẽ tình yêu và cảm giác thất thường, đầy dằn vặt của một tình yêu không được đáp trả.” Những bản nhạc ở phần hai cũng vương vấn sự đơn độc, nhưng không giống như sự đơn độc của Debussy ở phần một. Với Trang, sự đơn độc này lại hướng tới một bóng hình khác. Ngỡ như, chỉ cần bóng hình đó chợt xuất hiện, thì sự đơn độc này sẽ hóa thân thành một điệu valse đầy chất thơ, kéo dài mãi về sau, ngay cả khi âm nhạc đã kết thúc. Các tác phẩm Trang chọn thể hiện ở phần hai là: Cô ấy thật xinh đẹp biết bao-trích opera L’elisir d’amore (Donizetti); Vì sao đánh thức ta?-trích opera Werther (J.Massenet); Bản nhạc từ thơ Petrarch 104 (Franz Liszt); Những điệu Valse thơ mộng.
Sau khi tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ Âm nhạc chuyên ngành biểu diễn Piano tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh năm 2010, Trang Trịnh được mời làm việc cho All Souls Orchestra, một dàn nhạc lớn tại London, thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại Italy, Áo, Hungary, Ireland...

Sau khi trở về quê nhà để thực hiện một số show diễn trong năm 2011 Trang Trịnh sẽ bắt đầu hoạt động biểu diễn tại Trung Quốc và Nhật Bản từ năm 2012.
Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục