Các nhà du hành vũ trụ có thể rút hết khỏi ISS

Ngày 29/8, các quan chức Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo các nhà du hành vũ trụ có thể phải tạm thời rút hết khỏi ISS.
Ngày 29/8, các quan chức Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo các nhà du hành vũ trụ đang làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) có thể phải thực hiện một biện pháp bất thường vào cuối tháng 11.

Theo đó, họ sẽ tạm thời rút hết khỏi ISS nếu vụ tai nạn hồi tuần trước của tàu vận tải vũ trụ Nga không cho phép đưa các nhà du hành vũ trụ mới lên ISS theo kế hoạch trong mùa Thu này.

Phát biểu với báo giới tại trung tâm vũ trụ ở thành phố Cape Canaveral, bang Florida, Giám đốc quản lý chương trình tàu vũ trụ của NASA, ông Mike Suffredini cho biết chỉ khi nào xác định rõ được nguyên nhân vụ tầu chở hàng Tiến bộ M-12M của Nga ngày 24/8 bị nổ tung sau 6 phút được phóng lên, nếu không sẽ không có cách nào để đưa nhóm các nhà du hành vũ trụ mới lên ISS thay thế cho các đồng nghiệp đang làm việc ở trên đó.

Bỏ trống ISS, cho dù chỉ trong thời gian ngắn, cũng sẽ là sự lựa chọn cuối cùng của 5 cơ quan hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới từng cộng tác với nhau nhiều thập kỷ qua trong dự án này.

Các nhà du hành vũ trụ đã sống và làm việc trên ISS từ năm 2000 và mục tiêu là kéo dài đến năm 2020.

Ông Suffredini cho biết, trong trường hợp phải rút các nhà du hành vũ trụ khỏi ISS, các nhân viên không lưu vẫn có thể duy trì hoạt động của ISS, chừng nào tất cả các hệ thống trên đó vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sự cố đối với ISS sẽ gia tăng vì trên đó không có người để sửa chữa các khiếm khuyết của hệ thống thiết bị.

Năm 2003, NASA cũng đã từng xem xét phương án bỏ trống ISS sau thảm họa tàu con thoi Columbia.

Nhật Bản và Châu Âu có thể cũng sẽ phải hoãn kế hoạch phóng các tàu vận tải vũ trụ của họ, dự kiến vào cuối tháng 11, trong trường hợp không còn nhà du hành nào trên ISS để nhận hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục