Lựa chọn nào cho tương lai của Việt Nam?

Con đường nào cho Việt Nam lựa chọn để tiếp tục phát triển kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức chính là chủ đề thảo luận chính của Hội nghị đối ngoại với Chính phủ Việt Nam 2009 với chủ đề "Định vị Việt Nam trong tương lai", do báo Thế giới và Việt Nam của Bộ Ngoại giao phối hợp với The Economist (Anh) tổ chức, khai mạc tại Hà Nội sáng nay 17/3.

Con đường nào cho Việt Nam lựa chọn để tiếp tục phát triển kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức chính là chủ đề thảo luận chính của Hội nghị đối ngoại với Chính phủ Việt Nam 2009 với chủ đề "Định vị Việt Nam trong tương lai", do báo Thế giới và Việt Nam của Bộ Ngoại giao phối hợp với The Economist (Anh) tổ chức, khai mạc tại Hà Nội sáng nay 17/3.

Tuy đưa ra nhiều "kịch bản" khác nhau cho tăng trưởng và lạm phát cũng như những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tương lai, nhưng các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị đều cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa cũng như cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Duy trì xuất khẩu

Nếu như năm 2008 là một năm đầy cam go thách thức thì năm 2009 còn được đánh giá là một năm khó khăn hơn nhiều. Nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Theo dự báo của các chuyên gia đến từ The Economist, xuất khẩu của Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của châu Á sẽ giảm 31% trong 2009. Nguyên nhân là do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ giảm tới 60%.

Ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách Corporate Network tại Khu vực Đông Nam Á của Economist Intelligence Unit - đồng Chủ tịch tại Hội nghị, cho biết với nền kinh tế mà “ngưỡng” mở tới 1,7 lần so với GDP như Việt Nam, thì với việc thị trường tiêu thụ thế giới co hẹp chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho xuất khẩu của Việt Nam. Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán về khả năng thanh toán và cần thận trọng hơn nữa trong bối cảnh hiện nay, điều đó sẽ gây tác hại đến cung tín dụng của nền kinh tế.

"Mặc dù Việt Nam chủ yếu xuất hàng giá trị thấp như nông sản hay may mặc, nhưng nhu cầu thế giới cho những sản phẩm này hiện cũng đã đi xuống. Cụ thể như thị trường Mỹ, trong tháng 1/2009, nhập khẩu hàng may mặc đã giảm 18%", ông Justin Wood nhận xét.

Mặt khác, ngoại tệ chuyển từ nước ngoài về Việt Nam sẽ bị giảm cũng như đầu tư trực tiếp, giảm khoảng 70% trong năm 2009. Thị trường bất động sản tại các thành phố lớn đã bị suy giảm nặng nề và con số người thất nghiệp năm 2009 cũng được dự đoán sẽ tăng gấp đôi.

Xem xét tất cả các khía cạnh đó, Economist Intelligence Unit dự báo GDP của Việt Nam năm 2009 sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 0,3%, từ mức 6,2% trong năm 2008.

Do vậy, theo Justin Wood, tình hình hiện nay đã tạo áp lực lớn cho chính phủ, không chỉ đối phó với cơn khủng hoảng, mà còn phải bình ổn xã hội và chính trị trong nước. Chính phủ buộc phải thay đổi phương thức cải cách kinh tế hiện nay, nhất là khi các đối tác kinh tế đã cảm nhận rõ được sự tụt dốc.

"Chính phủ cần phải luôn chú ý đến các thách thức trong dài hạn của Việt Nam, như nâng cấp cơ sở hạ tầng, dập tắt nạn tham nhũng và cải thiện các chính sách và thế chế giám sát nền kinh tế và hệ thống tài chính. Giáo dục cũng phải được chú trọng nếu Việt Nam muốn có những bước tiến đột phá về công nghệ và đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp năm 2020. Nếu không, Việt Nam sẽ chỉ là một đất nước với giá nhân công rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên", ông Wood nói.

Để duy trì xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chú trọng vào các giải pháp tổng thể để đẩy mạnh sản xuất trong nước cũng như nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm tối đa lượng hàng gia công,  đồng thời với việc áp dụng một chính sách tỷ giá phù hợp để vừa khuyến khích xuất khẩu, nhưng cũng không gâp áp lực lên hoạt động nhập khẩu.

Linh hoạt tỷ giá

Một trong những vấn đề các nhà đầu tư đặt sự quan tâm nhiều nhất, đó là chính sách tỷ giá của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi có nhiều ý kiến cho rằng hiện Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực phá giá đồng nội tệ (VND) do nhiều khả năng cán cân thanh toán bị thâm hụt lớn.

"Những lo ngại về tỷ giá liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như những khó khăn đến từ việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài trong năm nay sẽ giảm sút nhiều. Liệu, tới đây Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục nới rộng biên độ tỷ giá?" - Giám đốc điều hành, phụ trách nghiên cứu thị trường mới nổi của JP Morgan (Mỹ), ông David Fernandez đặt câu hỏi.

Giải đáp những thắc mắc này của các nhà đầu tư, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, tỷ giá sẽ vẫn được điều hành một cách linh hoạt theo hướng giữ ổn định, không thay đổi quá lớn trong một thời gian ngắn, và bất kỳ sự thay đổi nào cũng phải đảm bảo các cân đối vĩ mô cũng như không làm xáo trộn công việc của doanh nghiệp.

"Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc phá giá VND ở mức độ nào cho hợp lý trên cơ sở phân tích cán cân thanh toán. Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định, trong mọi kịch bản, kể cả kịch bản xấu nhất, thì với lượng dự trữ ngoại tệ hiện nay của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn can thiệp để giữ ổn định tỷ giá",  Phó Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận, thời gian qua (nửa cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009), mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bán ra một lượng ngoại tệ khá lớn để giữ ổn định thị trường ngoại hối trong nước, nhưng thực tế cho thấy hiện vẫn còn tình trạng găm giữ đôla Mỹ tại các doanh nghiệp và người dân với kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng.

Vì vậy, ông Bình cho biết, sắp tới, việc xem xét nới biên độ tỷ giá (hiện đang là cộng trừ 2%) hay thay đổi tỷ giá "trung tâm" (tỷ giá công bố của Ngân hàng Nhà nước) cũng sẽ được cơ quan này nghiên cứu để đưa ra giải pháp thích hợp cho từng thời điểm cụ thể.Thế nhưng, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không nới biên độ một cách quá cao, tối đa chỉ là cộng trừ 5%.

Được biết, ngay trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cuộc làm việc với đại diện các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài về vấn đề tỷ giá đồng thời ban hành 14 Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định 160/CP quy định chi tiết về Pháp lệnh này.

Song song đó, hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đã đệ trình lên chính phủ một chương trình chống đôla hóa trong 10 năm nhằm cố gắng từng bước khắc phục tình trạng này. "Tình hình kinh tế khó khăn từ nửa cuối của năm 2008 đã khiến cho chương trình bị ảnh hưởng khá nhiều. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi không kiên quyết thực hiện chương trình này. Cần phải có thời gian vì đây không là chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều", ông Bình nhấn mạnh.

Tin tưởng và cam kết lâu dài

Trả lời phỏng vấn phóng viên Vietnam+ ngay bên lề Hội nghị, nhiều lãnh đạo các tập đoàn và cộng đồng doanh nghiệp lớn đều khẳng định những cam kết làm ăn lâu dài cũng như hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Ông Thomas Tobin, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, cho biết ngân hàng này đang mong muốn gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Bảo Việt. Hiện tại, HSBC đang nắm giữ 10% cổ phần tại tập đoàn tài chính-bảo hiểm lớn nhất VN này.

Ông Tobin cũng nhận định, các chính sách và biện pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu của chính phủ đang phát huy hiệu quả và nhiều quy chế mới đã được ra đời nhằm đảm bảo sự bền vững của hệ thống ngân hàng như yêu cầu các ngân hàng tăng cường nguồn vốn và hoạt động, kiểm soát các khoản nợ xấu...
 
 "Với tất cả các chính sách được áp dụng, chúng tôi dự đoán lạm phát của Việt Nam sẽ sụt xuống dưới 4% vào giữa năm 2009, sau đó tăng dần ở mức trung bình dài hạn là 11% vào cuối năm 2010, song hành với mức tăng trưởng được cải thiện", ông Tobin nhận định.

Nigel Waters, Tổng giám đốc Nokia Siemens Networks tai Việt Nam ca ngợi "Việt Nam đang ở vị thế tuyệt vời" để khai thác những công nghệ tiên tiến của 3G và cung cấp dịch vụ di động đầy hấp dẫn và đẳng cấp tới người sử dụng. Cơ hội lớn cho nhu cầu đăng ký sử dụng dịch vụ di động băng thông rộng đang ngày càng tăng trong khu vực và điều này không chỉ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhanh chóng nhận ra cơ hội đó, mà còn giữ vững vị trí dẫn đầu về công nghệ trên thị trường.

Trong khi đó, Tổng biên tập của Economist Intelligence Unit Charles Goddard cho rằng Việt Nam là thị trường tiêu dùng trẻ đầy hấp dẫn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh vì các nhà đầu tư nước ngoài được khích lệ bởi các cam kết của Việt Nam không ngừng cải cách và mở cửa nền kinh tế. Lực lượng lao động trẻ, ngày càng tăng về số lượng và được nâng cao về trình độ kỹ thuật, lực lượng mà mức thu nhập hiện nay đang thấp hơn đáng kể so với thu nhập của những lao động ở các nước láng giềng, là nền tảng sản xuất thôi thúc việc xây dựng các nhà máy cũng như là một thị trường người tiêu dùng trẻ đầy hấp dẫn./.
 


 Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục