Báo động về mất an toàn trong vận tải đường thủy

Sự mất an toàn trong vận tải đường thủy nội địa đã đến mức báo động khi chỉ trong 5 tháng, đã có ba vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Các ý kiến tại Hội nghị trực tuyến về tính cấp bách của vấn đề an toàn tính mạng cho khách du lịch khi tham gia trên các phương tiện giao thông thủy nội địa thống nhất cho rằng sự mất an toàn trong vận tải đường thủy nội địa đã đến mức báo động khi chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, ba vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Hội nghị do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông-Vận tải đồng phối hợp tổ chức chiều 1/6.với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

16 ý kiến của những người trực tiếp làm công tác quản lý, kinh doanh du lịch, cơ quan bảo vệ pháp luật... ở cả 3 đầu cầu đã nêu lên thực trạng hoạt động vận tải đường thủy nội địa. Cụ thể là vẫn còn thiếu một hệ thống văn bản pháp luật, những quy định mang tính pháp lý đối với hoạt động này.

Thêm vào đó, hiện vẫn còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giao thông vận tải và du lịch trong việc quy chuẩn hóa các phương tiện giao thông đường thủy như tàu, thuyền tham gia vận tải khách du lịch..., vì vậy, thiếu cơ sở giải quyết khi có vụ việc xảy ra.

Các ý kiến phát biểu cũng chỉ ra điểm yếu về việc các cơ quan chức năng chưa phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra phân cấp, phân loại các phương tiện hiện đang hoạt động trên lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa, do vậy, không kịp thời đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, vẫn còn sơ hở trong việc để các tư nhân chuyển đổi chức năng từ các tàu, thuyền đánh cá sang tàu, thuyền vận tải hành khách; thuyền trưởng của tàu, thuyền đánh cá trở thành thuyền trưởng tàu, thuyền chở khách du lịch.

[Không khí tang thương trùm lên khu du lịch Dìn Ký]

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng đồng chủ trì hội nghị đã thống nhất nêu một số giải pháp sẽ được tổ chức triển khai thực hiện thời gian tới. Cụ thể là đề nghị thành lập Ban chỉ đạo liên ngành do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì; đồng thời thành lập Tổ Công tác liên ngành do Cục Vận tải đường thủy chủ trì để tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra vận tải khách du lịch của hoạt động vận tải đường thủy nội địa.

Đại diện hai bộ cũng đề nghị bổ sung, sửa đổi các hệ thống văn bản pháp lý trên tinh thần cải cách hành chính nhằm đảm bảo cho hoạt động kinh doanh và an toàn cho người và phương tiện tham gia vận tải.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì việc xây dựng chương trình đào tạo bắt buộc với những người làm việc trên các tàu, thuyền vận tải khách du lịch tại một số điểm du lịch trọng điểm trong nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng như công tác dự báo, tuyên truyền trong cộng đồng, xã hội.

Hội nghị cũng khẳng định công tác cần làm ngay là ban hành chỉ thị về công tác đảm bảo an toàn giao thông vận tải đường thủy; tổng kiểm tra thực trạng các phương tiện vận chuyển hành khách đường thủy nội địa; kiểm tra các tàu, thuyền chở khách du lịch; đình chỉ hoạt động ngay các tàu, thuyền, phương tiện vận tải hành khách bằng đường thủy không đảm bảo an toàn.

Theo thống kê của ngành du lịch, tại 28 tỉnh, thành phố có khoảng 10.000 tàu, thuyền hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 173 chiếc lưu trú, hơn 9.700 chiếc vận chuyển, 120 chiếc nhà hàng.../.

Công Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục