FED lo ngại trước các nguy cơ từ khủng hoảng nợ

Chủ tịch FED Ben Bernanke lo ngại cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu có thể đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 7/6 đã một lần nữa bày tỏ lo ngại về nguy cơ từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có thể đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời tuyên bố FED sẵn sàng có những hành động để ngăn chặn những tác động bất lợi này.

Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke bày tỏ lo ngại trong buổi điều trần trước Ủy ban kinh tế chung của Thượng và Hạ viện Mỹ về những diễn biến của tình hình trước tác động từ cuộc khủng hoảng châu Âu. Cuộc khủng hoảng này đang tạo ra nhưng rủi ro lớn không chỉ đối với hệ thống tài chính mà toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Ông Bernanke cho biết FED đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi động thái từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và “sẵn sàng có hành động khi cần thiết để bảo vệ hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ trong trường hợp mối căng thẳng tài chính này tiếp tục leo thang.”

Tuy không nói rõ các giải pháp cụ thể để đối phó với những rủi ro có thể xảy ra này nhưng ông chủ Ngân hàng Trung ương Mỹ cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ không nên thông qua các dự luật siết chặt tài chính, cho rằng việc làm đó sẽ chỉ cản trở đà phục hồi của kinh tế Mỹ.

Trước đó, trong bài phát biểu ngày 6/6, Phó chủ tịch FED, bà Janet Yellen cũng xác nhận kinh tế Mỹ vẫn đứng trước nhiều rủi ro.

Bà Yellen thậm chí còn cho biết, trong tình huống cần thiết, FED sẽ cố gắng thúc đẩy đà tăng trưởng bằng việc xem xét lại cam kết duy trì mức lãi suất các khoản vay nóng qua đêm ở mức gần như bằng 0 đến hết năm 2014.

Theo bà Yellen, FED cũng có thể có thêm các gói cứu trợ mới để mua lại các tài sản hoặc tiếp tục kéo dài gói cứu trợ hết hạn trong tháng này. Cho tới nay, FED đã mua lại tổng cộng 2.300 tỷ USD trái phiếu trong hai đợt cứu trợ.

Cùng ngày, Liên hợp quốc cũng công bố bản báo cáo khẳng định cuộc khủng nợ của châu Âu hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế thế giới. Ngoài việc yêu cầu các chính phủ châu Âu nhanh chóng thay đổi các chính sách tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, báo cáo cũng cảnh báo các biện pháp khắc khổ sẽ tiếp tục đẩy kinh tế của các nước châu Âu vào suy thoái hơn nữa.

Dẫn báo báo cáo về Tình hình và Triển vọng của nền kinh tế thế giới (WESP) do Cơ quan phụ trách Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc (UN DESA) cho biết tình trạng leo thang của cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến rối loạn nghiêm trọng trên các thị trường tài chính và tăng rủi ro toàn cầu, từ đó làm giảm mức tăng trưởng toàn cầu hơn nữa.

Hiện nay, hầu hết các nước phát triển đang cố gắng phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn 2008-2009, nhưng các biện pháp khắc khổ tài chính, cộng với nhiều chính sách mâu thuẫn khác, đặc biệt ở các nước châu Âu, nhằm cải thiện tình hình nợ đang có nguy cơ gây thiệt hại kinh tế và xã hội.

Báo cáo cho rằng vấn đề quan trọng là các nước phải thay đổi chính sách tài chính và chuyển trọng tâm từ củng cố tài chính ngắn hạn sang khả năng bền vững tài chính trung hạn đến dài hạn. Các chính phủ phải kết hợp chính sách tài chính trong nước với hệ thống tài chính quốc tế và sử dụng chính sách tài chính để tạo công ăn việc làm trực tiếp cho người dân và tăng trưởng xanh.

Bên cạnh việc thay đổi các chính sách tài chính, WESP đề nghị các nước cần hợp tác chính sách tiền tệ trong nước với các tổ chức quốc tế và đẩy mạnh cải cách khu vực tài chính.

WESP dự báo GDP của thế giới sẽ tăng trưởng 2,5% năm 2012 và 3,1% năm 2013, sau khi tăng 2,7% năm 2011, thấp hơn đôi chút so với các dự báo do WESP công bố tháng 1/2012./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục