Tuần hành nhân Ngày Quốc tế Lao động tại châu Á

Từ Indonesia tới Hàn Quốc, hàng nghìn người xuống đường nhân Ngày Quốc tế Lao động yêu cầu đảm bảo quyền lợi, lương bổng cao hơn.
Từ Indonesia tới Hàn Quốc, hàng nghìn người đã xuống đường trên khắp châu Á nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5 để yêu cầu được đảm bảo quyền lợi và lương bổng cao hơn trong bối cảnh giá sinh hoạt không ngừng leo thang hiện nay.

Tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc, khoảng 4.000 người đã tham gia cuộc tuần hành náo nhiệt kêu gọi chính quyền có luật lao động mạnh hơn, cho dù thành phố được biết đến như một trong những trung tâm tài chính thế giới này vừa đưa vào áp dụng mức lương tối thiểu cho những người lao động thu nhập thấp.

Những người tuần hành đi qua nhiều khu vực trung tâm có đông người qua lại, hô vang các khẩu hiệu đòi "chấm dứt bóc lột sức lao động", một số giương cao những biểu ngữ mô tả một số tài phiệt đang chi phối nền kinh tế đặc khu này bằng hình ảnh macàrồng.

Tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, ít nhất 50.000 người lao động đã xuống đường yêu cầu được trả lương cao hơn và đảm bảo an sinh việc làm. Cuộc tuần hành diễn ra hòa bình và hàng nghìn cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ trật tự.

Tại Philippines, nhiều cuộc tuần hành cũng đã diễn ra tại thủ đô Manila và các thành phố lớn khác với sự tham gia của đông đảo người lao động yêu cầu cải thiện lương bổng và phúc lợi xã hội.

Trong thông điệp nhân ngày này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông đã không thực hiện được cam kết tranh cử là nâng cao đời sống người dân. Ông nhấn mạnh mọi sự thay đổi lâu dài không thể chỉ diễn ra sau một đêm hay một tháng và thực tế là Philippines đang hướng tới những đổi thay thực sự và rõ rệt.

Hàng nghìn người tham gia tuần hành tại quốc gia vạn đảo Indonesia cũng có nguyện vọng tương tự là được đảm bảo tốt hơn về an ninh xã hội và việc làm, bảo hiểm y tế và lương hưu.

Các cuộc tuần hành nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5 diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tháng trước vừa cảnh báo hàng chục triệu người châu Á có thể bị đẩy vào cùng khổ trong năm nay và tăng trưởng kinh tế của khu vực có nguy cơ bị hãm lại bởi giá dầu mỏ và lương thực tăng cao trên toàn cầu.

ADB cho biết lạm phát lương thực nội địa tại các nước châu Á đang phát triển đã lên tới 10% ngay từ đầu năm nay, với mức tăng hai con số ở giá lúa mì, ngô, đường, dầu thực vật, các sản phẩm sữa và thịt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục