“Nâng cấp” tư duy dịch vụ cho phát triển du lịch

Giáo sư Jallat cho rằng cải thiện hành vi, thái độ, cách ứng xử là góp phần phát triển tư duy dịch vụ và tạo thiện cảm với du khách.
Hiện nay, với những lợi ích kinh tế mang lại, du lịch đang là một ngành công nghiệp không khói phát triển mạnh nhất trên thế giới. 10% dân số thế giới có quan hệ trực tiếp hoặc là gián tiếp trong hoạt động du lịch này. Điều này đã dẫn đến du lịch trở thành một ngành kinh tế rất quan trọng, có tác động tới rất nhiều lĩnh vực khác và là ngành công nghiệp năng động trong nền kinh tế.

Cũng nằm chung dòng chảy ấy, ngành du lịch Việt Nam mong muốn trong tương lai gần sẽ “soán ngôi” Indonesia để trở thành điểm đến du lịch thứ tư ở châu Á. Tuy nhiên, một trong những nền tảng mà ngành du lịch trong nước cần cải thiện ngay là vấn đề nâng cấp tư duy dịch vụ.

Mong muốn “soán ngôi”…

“Ở đây trong tiếng Pháp tôi có một định nghĩa về du lịch: du lịch là một hoạt động mà trong đó có rất nhiều quan hệ con người trong đó,” Giáo sư chuyên Marketing, đồng thời là giám đốc khoa học chương trình Master chuyên ngành quản trị y tế của trường ESCP Europe (Paris) kiêm giảng viên mời của CFVG (Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh) Frédéric Jallat nói.

Ông Jallat phân tích: “Quan hệ con người làm nên vẻ đẹp của hoạt động du lịch. Thêm nữa mối quan hệ trực tiếp giữa doanh nghiệp với khách hàng lại khiến cho doanh nghiệp đó không chỉ hoạt động trong lĩnh vực du lịch của mình mà còn trở thành điểm đến của du khách.”

Hơn nữa, phát triển du lịch không chỉ liên quan tới phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ quản lý và đội ngũ nhân lực mà còn liên quan tới rất nhiều hoạt động phụ trợ khác như: khách sạn, nhà hàng, bảo hiểm, tài chính, kinh doanh giải trí (công viên, bảo tàng…), giao thông vận tải gắn với du lịch hay các mục đích khác…

"Thực tế, du lịch và cả du lịch kết hợp với kinh doanh là yếu tố cốt yếu để phát triển kinh tế, tạo ra mối liên hệ với quốc tế và phát huy những giá trị gia tăng cũng như kinh nghiệm của mỗi nước,” ông Jallat nhấn mạnh.

Những năm gần đây, những trung tâm phát triển du lịch của thế giới đang chuyển rất nhanh từ châu Âu, Bắc Mỹ (với các thị trường dẫn đầu là Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha…) sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.

Và ngành du lịch Việt Nam mong muốn trong tương lai gần sẽ “soán ngôi” Indonesia để trở thành điểm đến du lịch thứ tư ở châu Á (sau Malaysia, Thailand, Singapore) vào năm 2020 là hoàn toàn dựa trên cơ sở thực tế.

Không chỉ du lịch cũng như các lĩnh vực khác ở khu vực châu Á có tỷ lệ tăng trưởng rất nhanh mà riêng du lịch Việt Nam hiện cũng đang có tỷ lệ tăng trưởng thứ tư trên thế giới với lượng khách quốc tế tăng 15% mỗi năm; 10% tổng số việc làm trên toàn cầu là liên quan tới ngành nghề du lịch…

Nhằm phục vụ cho mục đích nhiều tham vọng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được như vậy, Tổng cục Du lịch Việt Nam đang triển khai một chiến lược phát triển du lịch với ý chí mạnh mẽ cho tới năm 2020.

Nhiều dự án hợp tác đã được ký kết. Theo đó, 14 dự án của Pháp với tổng kinh phí 188 triệu USD đã được thảo luận nhân chuyến thăm và làm việc tới Paris vào tháng năm vừa qua của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh.

Cần phát triển tư duy dịch vụ…

Tuy ngành du lịch tạo ra nhiều việc làm, nhiều giá trị gia tăng cũng như những hoạt động năng động cho nền kinh tế nhưng khi chuyên nghiệp hóa càng cao thì rủi ro gia tăng và càng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

“Khi ngày càng toàn cầu hóa thì du lịch sẽ cần phải có những năng lực và phương tiện, không chỉ phương tiện tài chính mà cần cả phương tiện con người để cạnh tranh ở mức độ các quốc gia với nhau. Bởi, du lịch không phải là lĩnh vực có thể tổ chức gia công lại mà nó chỉ có thể nằm trong một nước nên những giá trị của cải được tạo ra từ du lịch đó sẽ không thể xuất khẩu ra nước ngoài,” giáo sư Frédéric Jallat nói.

Ông Jallat cũng ghi nhận những dấu hiệu lạc quan của du lịch Việt Nam trong nhiều năm gần đây như việc các nhà quản lý đã áp dụng chính sách đầu tư phát triển hạ tầng nhằm cải thiện điều kiện đón tiếp khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế và quảng bá hình ảnh đất nước...

Những nỗ lực ấy đã bắt đầu mang lại lợi ích cho Việt Nam cùng với phát huy những tiềm năng lớn của lịch sử, văn hóa và thiên nhiên. “Tôi tin chắc Việt Nam sẽ là điểm đến về văn hóa nổi bật trong thời gian tới ở châu Á,” vị giáo sư chuyên về marketing bày tỏ tin tưởng.

Tuy nhiên, ông Jallat cũng bày tỏ mối quan ngại trước thực tế, khách nước ngoài ít quay trở lại, thậm chí không quay trở lại Việt Nam. Ông cho rằng, “một trong những điều mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng như các doanh nghiệp lẽ ra cần phải làm từ lâu nay là cải thiện vấn đề đón tiếp du khách.

"Cần xem khách từ đâu tới và tìm hiểu tại sao một số nước không có khách tới Việt Nam. Tỷ lệ khách hàng quay lại Việt Nam rất ít, thậm chí không quay lại, chính vì thế cần tìm cách để họ quay lại với các bạn. Cần chắc chắn những tiêu chí của khách hàng phải được nhấn mạnh trong chiến dịch quảng bá du lịch,” ông Jallat gợi ý.

Về vấn đề này, Chủ tịch iVIVU kiêm Tổng giám đốc Công ty Thiên Minh và Buffalo Tours Trần Trọng Kiên lý giải: một phần có thể do dịch vụ ở Việt Nam chưa tốt, nhưng quan trọng hơn theo tôi lượng khách đến Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đa phần có mục đích trải nghiệm.

"Du khách nước ngoài thuộc nhóm có nhu cầu trải nghiệm, muốn khám phá một thế giới mới và những giá trị ngoại lai… nên thường xuyên muốn được đến những điểm mới hấp dẫn hơn và phải 5-10 năm sau họ mới quay lại điểm cũ,” ông Kiên nói.

Vậy làm thế nào để lôi kéo du khách nước ngoài trở lại Việt Nam sau một lần ghé thăm? Ông Jallat gợi ý hai nhân tố. Thứ nhất là chính sách quyết định đến vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng sân bay, quy hoạch hệ thống đường giao thông… và cần nhất là những quyết sách ở tầm quản lý cấp cao.

Nhân tố thứ hai mà ông Jallat chỉ ra liên quan trực tiếp đến mỗi cá nhân về hành vi, thái độ, cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày quyết định tới chất lượng dịch vụ đón tiếp du khách. Nâng cao những yếu tố đó cùng là để phát triển tư duy dịch vụ và nhằm cải thiện mối quan hệ với khách hàng. Với những du khách nước ngoài, nụ cười thể hiện sự hiếu khách!

Ông Jallat đã đưa ra một so sánh để kết thúc cho vấn đề này: Việt Nam có một nền văn hóa và truyền thống ít sử dụng marketing, không sử dụng các biện pháp để phát huy hình ảnh đẹp của mình như Thái Lan. Người Thái Lan có nền ẩm thực phong phú, ấn tượng và họ phổ biến khắp nơi trên thế giới.

“Tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển và quảng bá được một số đặc sản của mình như nước bạn để đưa đến cho khách hàng một hình ảnh tốt hơn,” vị chuyên gia khẳng định./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục