Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp do sự cố tràn dầu

Bang Louisiana, Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi giàn khoan dầu Deepwater Horizon bị nổ và chìm, làm dầu tràn ra biển.
Thống đốc bang Louisiana, Mỹ, ông Bobby Jindal ngày 29/4 đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi giàn khoan dầu Deepwater Horizon ở ngoài khơi bang này bị nổ và chìm, làm một khối lượng lớn dầu tràn ra biển cách đây hơn một tuần.

Tuyên bố trên sẽ giúp giới chức địa phương triển khai các nguồn lực của bang cũng như tìm kiếm sự trợ giúp của liên bang trong việc đối phó với "tác động dự kiến của sự cố này."

Ông Jindal cảnh báo phải mất tới hàng tỷ USD để khôi phục khu sinh thái dọc bờ biển bởi bang Louisiana và Mississippi có ít nhất 10 khu vực được các loài động vật hoang dã chọn làm nơi trú ẩn. Trong khi đó, nguy cơ lượng dầu tràn, có diện tích khoảng 1.550km2, sẽ trôi thẳng vào các bờ biển đang ngày một tăng do gió tại khu vực này đã bắt đầu mạnh dần lên.

Cơ quan Khí quyển và Hải dương học quốc gia (NOAA) cho biết hình ảnh vệ tinh cho thấy phía tây của đám dầu loang chỉ còn cách khu vực châu thổ sông Mississippi khoảng 10-11km. Đến cuối tuần, các vùng duyên hải chắc chắn sẽ bị tác động mạnh hơn.

Bộ Y tế bang Louisiana nhận định sức khỏe người dân sống dọc bờ biển có thể sẽ bị ảnh hưởng do hít phải mùi dầu, vì vậy, cơ quan này sẵn sàng hành động nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cùng ngày, Chính phủ Mỹ tuyên bố vụ tràn dầu này là một thảm họa "mang tầm quốc gia" và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh sử dụng tất cả các nguồn lực hiện có, bao gồm cả phương tiện của quân đội, để làm sạch khu vực. Chính phủ Mỹ cho rằng tập đoàn dầu lửa BP của Anh thuê giàn khoan trên phải "chịu trách nhiệm" trong thảm họa tràn dầu này và yêu cầu BP thực thi các "biện pháp ứng phó (thảm họa) mạnh mẽ nhất có thể."

Quân đội Mỹ và BP đã triển khai các thiết bị xử lý dầu tràn mới đến khu vực, nhằm đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả. Tập đoàn BP khẳng định kế hoạch sử dụng công nghệ mới, rải hóa chất dưới mặt nước, sẽ làm giảm đáng kể diện tích dầu tràn.

Trong một diễn biến khác liên quan, hai ngư dân Louisiana đã đệ đơn kiện và đòi BP phải bồi thường cho họ hàng triệu USD thiệt hại. Như vậy, BP có thể sẽ phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện khác trong thời gian sắp tới.

Ngày 21/4, giàn khoan dầu Deepwater Horizon đã phát nổ và chìm, làm ít nhất 11 công nhân thiệt mạng, gây ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng, đe dọa hệ sinh thái ở khu vực vốn đã chịu nhiều tác động của tình trạng bão lũ và xói mòn bờ biển này.

Phó Đô đốc Mary Landry thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ ước tính sau khi sự cố này xảy ra, mỗi ngày có tới 5.000 thùng dầu phun vào Vịnh Mexico, cao gấp năm lần so với dự báo 1.000 thùng dầu/ngày trước đây.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành phụ trách thăm dò và khai thác của BP, ông Doug Suttles cho rằng dự báo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ có thể không chính xác và bảo vệ dự báo về mức dầu loang trước đây của BP. Cho tới lúc này, Tập đoàn BP vẫn chưa đóng được van khoá dầu tự động - chỗ dựa cuối cùng trong trường hợp giàn khoan bị hỏng.

Các cơ quan chức năng đang nỗ lực ngăn chặn dầu loang dạt vào đất liền như khoanh vùng dầu loang, rải hóa chất xử lý dầu loang, đốt dầu có kiểm soát..., được tích cực xúc tiến nhằm bảo vệ hệ sinh thái bờ biển các bang Louisiana, Alabama và Mississippi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục