Xây thủy điện: Vẫn chờ đánh giá tác động sinh thái

Việc củng cố hệ thống các nhà máy thủy điện, không những sản xuất thêm nguồn điện năng mà còn là một bước quan trọng góp phần đảm bảo nguồn an ninh năng lượng cũng như điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình thủy điện còn cần phải cân nhắc những tác động ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương nhằm làm rõ thêm một số vấn đề xung quanh việc triển khai xây dựng một số công trình thủy điện lớn ở Lai Châu, Sơn La và những tác động của nó đến môi trường sinh thái.
Theo đánh giá của Bộ Công thương thì trung bình mỗi năm, Việt Nam cần bổ sung thêm 3.000 - 4.000 MW điện phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Việc củng cố hệ thống các nhà máy thủy điện, không những sản xuất thêm nguồn điện năng mà còn là một bước quan trọng góp phần đảm bảo nguồn an ninh năng lượng cũng như điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, nhằm làm rõ thêm một số vấn đề xung quanh việc triển khai xây dựng một số công trình thủy điện lớn ở Lai Châu, Sơn La và những tác động của nó đến môi trường sinh thái.

Việc phát triển thủy điện ở một số tỉnh miền núi sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đỗ Đức Quân: Xin khẳng định là việc đầu tư các công trình thủy điện đều làm theo đúng các qui trình, cũng như dựa trên các luật lệ về quản lý đầu tư xây dựng và đều rất khả thi.

Khi triển khai xây dựng các công trình thủy điện lớn như ở Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La đều có báo cáo đánh giá tác động của nó đến môi trường sinh thái, còn các thủy điện nhỏ cũng có báo cáo đánh giá về vấn đề này nhưng trong phạm vi tỉnh, đến giai đoạn đầu tư thì báo cáo đó sẽ được trình lên Bộ Tài nguyên Môi trường duyệt hoặc Sở Tài nguyên Môi trường duyệt.

Bộ Công thương cũng đã có xem xét, đánh giá trên một số khía cạnh như: Diện tích ngập lụt đất đai; ảnh hưởng tới rừng, đặc biệt tại các khu vực bảo tồn, vườn quốc gia, rừng đặc dụng... Nếu có ảnh hưởng nghiêm trọng thì Bộ Công Thương đều có khuyến nghị không nên xây dựng.

Thủy điện lớn khi xem xét báo cáo tác động đến môi trường thì Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, còn việc ảnh hưởng môi trường sinh thái đến đâu thì hiện nay phía Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có các báo cáo đánh giá và phía Bộ Công thương vẫn chưa nhận được các báo cáo đánh giá đó.

Nếu xây dựng nhà máy thủy điện ở miền núi thì rất e ngại về độ an toàn nếu giả sử có động đất xảy ra?

Ông Đỗ Đức Quân: Chúng tôi đã tiến hành đánh giá ở nhiều khía cạnh. Tuy địa điểm triển khai dự án thủy điện Lai Châu cách rất xa vị trí các đường nứt gẫy của bề mặt lục địa nhưng các đơn vị chức năng cũng đã xem xét kỹ các vấn đề như: động đất, lũ phía thượng nguồn…, qua đó đề xuất phương án xử lý. Mặt khác, hai con đập  Sơn La Cao và Sơn La Thấp ở Nhà máy thủy điện Sơn La đều được khảo sát kỹ với mục tiêu là phải đảm bảo an toàn ở mức tối đa cho vùng hạ lưu khi xả nước để chạy máy phát điện.

Vậy vấn đề cần quan tâm nhất trong việc xây dựng các công trình thủy điện hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Quân: Chúng tôi quan tâm nhất là vấn đề tái định cư, đền bù, di chuyển, quanh khu vực xây thủy điện để làm sao có thể ổn định lâu dài đời sống nhân dân.

Việc xây dựng công trình thủy điện Sơn La và Lai Châu đã được tính toán khoảng cách là trên 200 km. Thủy điện Sơn La sẽ xong vào năm 2012 còn thủy điện Lai Châu khoảng hai năm 2016, 2017 là hoàn thành. Khi đưa vào sử dụng, hai thủy điện này sẽ vẫn đảm bảo đủ lượng nước để hoạt động.

Hồ Lai Châu nhỏ hơn hồ Sơn La rất nhiều, nếu thủy điện Lai Châu xả nước xuống thì thủy điện Sơn La sẽ điều tiết lại, về thực chất hai hồ đó gần như độc lập với nhau. Trên thủy điện Lai Châu không thể xả nước mãi vì chỉ chạy ngày hoặc đêm thôi, còn Sơn La thì hồ lớn hơn nên nhà máy thủy điện có thể hoạt động thoải mái cả ngày và đêm.

Việc xây dựng thủy điện Sơn La ở trên cũng không ảnh hưởng đến thủy điện Sông Đà ở phía dưới vì thủy điện Sơn La là thủy điện chính rồi, khi hai công trình này phối hợp hoạt động với nhau thì sẽ phát huy hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục